Bắt đầu hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Từ sáng nay, 6-11, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao… đã được gửi đến đại biểu Quốc hội (ĐB), nêu bật nhiều vấn đề nóng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 6-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 6-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới

Giải pháp chủ yếu để thực hiện cải cách chính sách tiền lương đồng bộ, kịp thời từ ngày 1-7-2024 đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, hiện Chính phủ đã bố trí đủ nguồn ngân sách để triển khai đồng bộ cả 6 nội dung của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; đảm bảo mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp; đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước được cải thiện. Cùng với đó, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương đều được tinh giảm, biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm 11,67% – là cơ sở tạo nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QUANG PHÚC

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn cơ bản, như nguồn ngân sách chưa dồi dào, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị – “giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương” – làm cơ sở xây dựng bảng lương mới vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Việc thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với người giữ chức vụ lãnh đạo phức tạp do ở nhiều bậc lương cũ, ngạch, chức danh nghề nghiệp khác nhau xếp vào một mức lương chức vụ mới… dẫn đến có người cao hơn, có người thấp hơn (phải bảo lưu chênh lệch để bằng mức hiện hưởng).

Cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng được kỳ vọng sẽ làm rõ nhiều vấn đề về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Ảnh: QUANG PHÚC

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng được kỳ vọng sẽ làm rõ nhiều vấn đề về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Ảnh: QUANG PHÚC

Báo cáo tổng hợp các vấn đề còn tồn tại, hạn chế, những nhiệm vụ chưa thực hiện, thực hiện chưa đầy đủ hoặc chưa có sự chuyển biến theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội, vừa được Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường gửi đến ĐB nêu rõ, trong lĩnh vực ngân hàng hiện tồn tại 3 vấn đề. Đó là việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu; việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém.

Từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lần lượt ra quyết định mua lại bắt buộc với giá 0 đồng đối với Ngân hàng Xây dựng (Việt NamCB, sau đổi là CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), nhằm tái cơ cấu, đảm bảo sự an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Song tiến độ tái cơ cấu những ngân hàng này rất chậm. Tháng 10-2022, có thêm NHTMCP Sài Gòn (SCB), được đặt vào kiểm soát đặc biệt. Đến thời điểm kiểm toán (tháng 8-2023), việc xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc (CGBB), đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp để CGBB, 1 ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương CGBB (DongABank).

Thiếu nhà ở xã hội, thị trường bất động sản vẫn ách tắc

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị được kỳ vọng đưa ra giải pháp phát triển nhà ở xã hội, gỡ khó cho thị trường bất động sản. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị được kỳ vọng đưa ra giải pháp phát triển nhà ở xã hội, gỡ khó cho thị trường bất động sản. Ảnh: QUANG PHÚC

Cũng theo báo cáo tổng hợp vấn đề chất vấn được Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường gửi tới ĐB, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều động thái, ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thị trường này vẫn khó khăn, ách tắc từ thủ tục pháp lý, đến quỹ đất và vốn đầu tư. Giá nhà ở còn ở mức khá cao so với thu nhập của người dân.

Trong một báo cáo hồi tháng 5, Cushman & Wakefield Việt Nam, đơn vị tư vấn lĩnh vực bất động sản, cho rằng giá nhà ở tại Việt Nam hiện cao hơn khoảng 20 lần so với thu nhập bình quân đầu người hàng năm.

Cạnh đó, một số thủ tục hành chính về đầu tư rườm rà, gây cản trở, các phân khúc thị trường còn lệch, vốn tín dụng đầu tư thị trường này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Doanh nghiệp bất động sản phải dừng đầu tư, thi công dự án và việc này kéo theo khó khăn của nhà thầu, cung ứng vật liệu và nhiều ngành nghề khác.

Vướng mắc pháp luật về đất đai, như xác định giá đất, tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng hay quy định chọn nhà đầu tư chồng chéo với quy định đầu tư, đấu thầu, đất đai… được nhận diện là rào cản lớn cho phục hồi, phát triển thị trường nhà ở.

Trong khi đó, phát triển nhà ở xã hội được coi là một trong số giải pháp tái cấu trúc thị trường bất động sản. Nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân thu nhập thấp tại các khu công nghiệp là khoảng 2,4 triệu căn, giai đoạn 2021–2030.

Đến cuối tháng 6, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội tại các đô thị, quy mô khoảng 19.516 căn. 294 dự án khác đang triển khai, sẽ cung ứng gần 288.500 căn nhà ở xã hội cho thị trường.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ đã có 37 dự án muốn vay, với nhu cầu vốn khoảng 17.850 tỷ đồng. Trên 6.200 tỷ đồng đã được Ngân hàng Chính sách giải ngân, cho 15.000 khách hàng cá nhân vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, nhà ở hộ gia đình.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân hiện chưa đáp ứng nhu cầu của 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Ngân sách Trung ương chưa bố trí được đủ vốn ưu đãi cho chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng được chỉ định cho vay nhà ở xã hội tới giờ vẫn chưa được bố trí. Chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến không hấp dẫn nhà đầu tư.

Báo cáo cũng nhận định, việc yêu cầu tất cả các dự án phải dành quỹ đất nhà ở xã hội mà không căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, điều kiện kinh tế xã hội từng vùng, khiến quỹ đất này không được đưa vào đầu tư, gây lãng phí nguồn lực và làm tăng giá nhà ở.

Các đại biểu dự phiên chất vấn sáng 6-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu dự phiên chất vấn sáng 6-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Sáng 6-11, Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo của Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí và Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn lần lượt trình bày báo cáo việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4. Tiếp đó, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra các báo cáo trên.

Sau đó, Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp đến hết buổi sáng 8-11. Từ 9 giờ 40 phút đến 11 giờ 30 phút, Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành đối với các lĩnh vực: Kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng. Nội dung này kéo sang buổi chiều cùng ngày, đến 14 giờ 40 phút.

Nguồn SGGP