Bệnh tay chân miệng tăng trên 124% so cùng kỳ

(THTG) Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tiền Giang, đến trung tuần tháng 10 năm 2018, tỉnh Tiền Giang ghi nhận trên 1.650 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó riêng tuần 40 số mắc trong tuần là trên 300 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017, tăng trên 124%.

vlcsnap-2018-10-19-09h53m51s719

Bác sĩ thăm khám bệnh nhi mắc tay chân miệng. Ảnh: Phi Phụng.

vlcsnap-2018-10-19-09h54m00s804

Bệnh nhân mắc bệnh sẽ nổi rộp các đốt đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân. Ảnh: Phi Phụng

Với đặc điểm và diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng năm nay, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tiền Giang dự báo bệnh tay chân miệng sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. Vì vậy, để phòng bệnh cần rửa tay thường xuyên và đúng cách, vệ sinh nhà cửa và đồ chơi của trẻ, khử trùng các khu vực trẻ chơi, cách ly trẻ bị bệnh hay người chăm sóc trẻ bị bệnh.

Bệnh tay chân miệng hiện nay chưa có thuốc đặc trị, cũng như vacxin phòng bệnh, vì vậy ngành y tế khuyến cáo phòng bệnh vẫn là cách tốt nhất để hạn chế gia tăng bệnh. Theo đó, khoảng thời gian ủ bệnh của virus tay chân miệng ở trẻ là từ 3 – 6 ngày. Với các triệu chứng điển hình: sốt cao, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông hoặc quanh hậu môn, đùi, đầu gối. Ngoài ra còn có những dấu hiệu nặng như: quấy khóc kéo dài, sốt cao liên tục không hạ, giật mình….cần được điều trị kịp thời.

 Gần 1.400 trường hợp bị sốt xuất huyết

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tiền Giang, đến trung tuần tháng 10, Tiền Giang ghi nhận gần 1.400 trường hợp bị bệnh sốt xuất huyết. Ngành y tế khuyến cáo, thời điểm này với điều kiện thời tiết khí hậu rất thuận lợi cho dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển và làm tăng nguy cơ bùng phát dịch, nhất là các bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết. Để chủ động phòng bệnh, trẻ em cần được tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, viêm não Nhật Bản.

Hiện nay, ngành y tế Tiền Giang đang thực hiện công văn khẩn của Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường cường công tác khám, phân loại, điều trị bệnh sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết Dengue nhằm chống quá tải, giảm lây nhiễm chéo và giảm tử vong trong công tác điều trị bệnh sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết.

Thanh Xuân