Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt

(THTG) Từ đầu tháng 3, bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang bắt đầu áp dụng thực hiện  thanh toán không dùng tiền mặt và tiến tới cuối năm 2022 thực hiện hoàn toàn ở tất cả các đối tượng đến khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Thực hiện chăm sóc và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân hiện nay có việc ứng dụng số hóa vào hoạt động bệnh viện, trong đó bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang là đơn vị bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL áp dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh Tiền Giang giao nhiệm vụ cho ngân hàng Nhà nước phối hợp,chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn đầu tư phát triển hạ tầng và công nghệ, chủ động kết nối với các đơn vị cung ứng dịch vụ công để quảng bá các sản phẩm, dịch vụ áp dụng các hình thức thanh toán qua ngân hàng, qua các phương tiện điện tử. Theo đó ngân hàng đầu tư và phát triển chi nhánh Mỹ Tho (BIDV Mỹ Tho) phối hợp hỗ trợ Bệnh viện đa khoa triển khai áp dụng thực hiện, nhằm giúp các giao dịch của người dân đến khám chữa bệnh đơn giản thuận tiện, nhanh chóng, an toàn bảo mật cho người dân, đồng thời tạo điều kiện giảm tải giảm sai sót cho bộ phận thu viện phí, cũng như bộ phận kế toán tài vụ của bệnh viện.

2

Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang.

Tiến sĩ Bác sĩ Tạ Văn Trầm – Giám đốc Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang cho biết: Khi người dân đến bệnh viện sẽ được hỗ trợ làm một thẻ y tế thông minh và hoàn toàn không mất phí cho dịch vụ làm thẻ này.  Đối với dịch vụ hỗ trợ bệnh nhân như thế bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sẽ rút ngắn quy trình khám chữa bệnh chỉ cần nộp tiền tại một nơi, nhưng có thể khám chữa bệnh tại các phòng khám phòng xét nghiệm quầy thuốc trong bệnh viện không bắt buộc phải mở tài khoản tại ngân hàng không mất phí giao dịch, hay phải duy trì số dư tài khoản, do vậy sẽ thuận lợi cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi đến bệnh viện. Bên cạnh đó, việc thanh toán qua thẻ cũng góp phần giảm thiểu căng thẳng rủi ro khi thanh toán tiền mặt. Đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp như hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp giảm thời gian thủ tục hạn chế việc tiếp xúc từ đó bảo đảm an toàn thuận tiện cho cả bệnh viện lẫn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Riêng với thẻ khám bệnh người bệnh sẽ nhận lại tiền thừa tại quầy sau khi kết thúc đợt khám điều trị và cũng có thể giữ tiền trong tài khoản cho lần tái khám chữa bệnh sau.

Theo ông Nguyễn Văn Trừ – Giám đốc BIDV chi nhánh Mỹ Tho: Vế phía ngân hàng sẽ hỗ trợ tối đa cho Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang trong hướng dẫn thủ tục và hỗ trợ thẻ y tế thông minh cho người dân. Đây là hoạt động an sinh xã hội lớn nhất của Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam, đồng hành cùng chủ trương đẩy mạnh áp dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đối với các Bệnh viện trên địa bàn đô thị trong cả nước của Chính phủ. Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Mỹ Tho được giao nhiệm vụ hỗ trợ thực hiện chương trình tại tỉnh Tiền Giang và đây là bệnh viện đâu tiên ở ĐBSCL triển khai thực hiện, vì vậy ngân hàng sẽ nỗ lực để người dân thích nghi với phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, cũng như giao dịch điện tử mặt trên tất cả các lĩnh vực khác theo chủ trương chung của UBND tỉnh Tiền Giang.

Với chủ trương áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, từ tháng 3/2022 trơ đi, Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang áp dụng thanh toán khám chữa bệnh không dùng tiền mặt. Việc thay đổi theo chủ trương này hoàn toàn mới, xa lạ với người dân, nhất là đang sống khu vực nông thôn. Chính vì thế, thời gian đầu Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang và Ngân hàng BIDV Mỹ Tho đã phối hợp tuyên truyền hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Tiến tới cuối năm 2022, bệnh viện thực hiện thanh toán không dùng tiền hoàn toàn ở tất cả các đối tượng đến khám chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa Tiền Giang.

Thanh Thảo