Biến thể Delta Plus có đáng lo?
Một số chuyên gia cho rằng hiện chưa có dữ liệu chứng tỏ Delta Plus lây nhiễm dễ dàng hơn hoặc gây ra bệnh nặng hơn so với các biến thể khác
Biến thể Delta Plus lần đầu tiên được phát hiện tại châu Âu vào tháng 3-2021. Tuy nhiên, mãi đến ngày 13-6, biến thể này mới được người ta biết đến. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, Delta Plus hiện được ghi nhận tại một số nước như Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Nepal… Riêng tại Ấn Độ, khoảng 40 ca Covid-19 nhiễm Delta Plus đã được phát hiện tính đến ngày 23-6, hầu hết tại 4 bang Maharashtra, Kerala, Tamil Nadu và Madhya Pradesh.
Theo nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Di truyền SARS-CoV-2 của Ấn Độ (INSACOG), Delta Plus cho thấy khả năng lây nhiễm tăng, bám chặt hơn vào các thụ thể của tế bào phổi và giảm phản ứng kháng thể đơn dòng.
INSACOG vẫn đang tìm hiểu khả năng lây truyền và mức độ nghiêm trọng tiềm tàng của Delta Plus. Ngoài ra, một số nghiên cứu khác tập trung tìm hiểu xem liệu biến thể này có phổ biến ở Ấn Độ vào giai đoạn đỉnh dịch của làn sóng Covid-19 thứ 2 (tháng 3 và tháng 4) hay không.
Nhân viên y tế tham gia chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 tại bang Tây Bengal – Ấn Độ hôm 21-6 Ảnh: REUTERS
Ông Shahid Jameel, một nhà virus học hàng đầu Ấn Độ và từng là thành viên của INSACOG, chỉ ra rằng Delta Plus sở hữu tất cả đặc điểm của biến thể Delta (phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ) kết hợp với đột biến trong biến thể Beta (phát hiện đầu tiên ở Nam Phi).
Vì thế, theo ông Jameel, có lý do tin rằng Delta Plus vượt qua sự miễn dịch được cung cấp bởi vắc-xin hoặc được tạo ra do từng nhiễm virus SARS-CoV-2, cũng như phương pháp điều trị bằng cocktail kháng thể đơn dòng được New Delhi bật đèn xanh gần đây.
Theo trang India Today, hiện vẫn chưa có gì chắc chắn về kịch bản Delta Plus gây ra làn sóng Covid-19 thứ 3 tại Ấn Độ, nhất là khi số ca mắc liên quan đến biến thể này còn ít. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhắc đến những gì xảy ra với biến thể Delta, được cho là đứng sau làn sóng Covid-19 thứ 2. Số ca Covid-19 do biến thể này gây ra được ghi nhận rất ít trước khi nó tăng đột biến trong vòng 2 tháng rưỡi sau đó.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ mới phân loại 4 biến thể của virus SARS-CoV-2 là “biến thể gây lo ngại”, gồm Alpha (phát hiện đầu tiên ở Anh), Beta, Gamma (phát hiện đầu tiên ở Brazil) và Delta.
Vì thế, một số chuyên gia về virus thắc mắc chuyện Ấn Độ gọi Delta Plus là “biến thể gây lo ngại” vì cho rằng hiện chưa có dữ liệu chứng tỏ nó lây nhiễm dễ dàng hơn hoặc gây ra bệnh nặng hơn so với các biến thể khác. Họ cho rằng cần phải nghiên cứu hàng trăm bệnh nhân Covid-19 bị nhiễm biến thể Delta Plus và tìm hiểu xem liệu họ có nguy cơ bị bệnh nặng hơn so với những gì biến thể Delta gây ra hay không.
Ông Jeremy Kamil, một nhà virus học tại Trung tâm Khoa học Y tế thuộc Trường ĐH bang Louisiana (Mỹ), cũng kêu gọi sự bình tĩnh. Ông cho biết đã có ít nhất 166 mẫu Delta Plus được chia sẻ trên cơ sở dữ liệu của Sáng kiến toàn cầu về chia sẻ dữ liệu cúm (GISAID, trụ sở ở Đức) nhưng hiện không có lý do gì tin rằng biến thể Delta Plus nguy hiểm hơn biến thể Delta.
Trái lại, một số chuyên gia tại Ấn Độ cho rằng tất cả dòng của Delta đều là “biến thể đáng lo ngại” nên không có gì bất thường khi xếp Delta Plus vào nhóm này.
Mối đe dọa từ biến thể Delta
Nhà virus học nổi tiếng Thái Lan Yong Poovorawan hôm 23-6 kêu gọi chính phủ đẩy mạnh tiêm chủng cho người dân nhằm ngăn chặn sự bùng phát của biến thể Delta. Ông Yong trích nghiên cứu của Bộ Khoa học Y khoa cho biết 90% ca mắc Covid-19 ở Thái Lan do chủng Alpha gây ra, theo sau là chủng Delta (9%) và chủng Beta (1%). Tuy nhiên, ông Yong dự báo số ca nhiễm liên quan đến Delta, hầu hết xảy ra ở lao động trẻ, sẽ tăng dần trong 3 đến 4 tháng tới. Theo tờ The Nation, chuyên gia này cũng cảnh báo sẽ có thêm nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất hiện trong tương lai.
Trong khi đó, Cố vấn Y tế Nhà Trắng Anthony Fauci hôm 22-6 cảnh báo biến thể Delta đang là mối đe dọa lớn nhất đối với nỗ lực dập dịch Covid-19 của Mỹ. Theo ông Fauci, số ca nhiễm biến thể này hiện chiếm hơn 20% tổng số ca Covid-19 mới ở Mỹ, tăng so với tỉ lệ khoảng 10% cách đây hai tuần. Còn tại Anh, biến thể Delta gần đây trở thành chủng trội khi gây ra hơn 90% tổng số ca mắc mới, khiến nước này hoãn việc mở cửa trở lại đến tháng sau.
Israel cũng đang chứng kiến số ca Covid-19 liên quan đến Delta gia tăng trong bối cảnh hơn 1/2 dân số đã được tiêm phòng đầy đủ và nước này dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng dịch. Cụ thể, 125 ca Covid-19 mới được ghi nhận hôm 21-6, mức cao nhất trong ngày tính từ tháng 4. Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho rằng sự gia tăng này có thể đến từ những người nhập cảnh nhiễm biến thể Delta và kêu gọi người dân không ra nước ngoài nếu không cần thiết. Ông Bennett cũng cho rằng trẻ em từ 12 tuổi trở lên được tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.