Biểu diễn múa cổ nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô
Nhân dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2016), tối 9/10, tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội), Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội tổ chức chương trình biểu diễn những điệu múa cổ Thăng Long và hát dân gian.
Múa cổ – nét văn hoá truyền thống đất Thăng Long. (Ảnh: T. Dương)
Từ năm 2000, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã sưu tầm, nghiên cứu và phục dựng các điệu múa cổ đất Thăng Long. Sau gần 16 năm dày công sưu tầm, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã nghiên cứu, phục dựng thành công khoảng 50 điệu múa cổ, hát dân gian và trình diễn trước công chúng Thủ đô. Các loại hình múa tiêu biểu như: múa cung đình, múa dân gian, múa tín ngưỡng, múa tôn giáo, múa sinh hoạt…
Loại hình nghệ thuật dân gian này gắn liền với đời sống tinh thần của người dân Hà Nội và phản ánh các giá trị của đất Thăng Long văn hiến. Khi xem các điệu múa cổ, từ cách biểu đạt, màu sắc trang phục, đạo cụ, ngôn ngữ, đều mang cảm giác gần gũi, thân thiện. Ngoài yếu tố phục vụ tín ngưỡng, múa cổ còn có tính trình diễn, thẩm mỹ cao.
Một trong những điệu múa cổ phổ biến nhất vẫn còn được trình diễn rộng rãi cho đến ngày nay là điệu “Con đĩ đánh bồng” của làng Triều Khúc, Thanh Xuân. Một số điệu múa cổ đặc sắc đã được phục dựng lại và trình diễn như “Múa đèn” ở lễ hội đền Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng), “Múa chén” ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, “Múa chèo tầu” ở xã Tân Hội (Đan Phượng), “Múa chèo cạn” ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, “Múa Giảo long” ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, “Múa Ải lao” ở Phù Đổng, huyện Gia Lâm…
Các điệu múa cổ mang ý nghĩa giáo dục con người vươn tới cái đẹp, cái thiện, gìn giữ vốn văn hoá quý của dân tộc, có ý nghĩa tích cực đối với con người trong đời sống đương đại./.
ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.