Biểu tình bạo lực tại Mỹ sẽ khơi mào cho làn sóng Covid-19 thứ 2?

Các cuộc biểu tình bạo lực ngày càng diễn biến căng thẳng đang làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới tại Mỹ.

Các cuộc biểu tình quy mô lớn bày tỏ sự bất bình trước cái chết của người đàn ông da màu George Floyd tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ đang làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới. Các nhà lãnh đạo chính trị, bác sĩ và chuyên gia y tế công cộng cảnh báo rằng những đám đông biểu tình có thể khiến số ca mắc bệnh gia tăng.

bieu tinh bao luc tai my se khoi mao cho lan song covid-19 thu 2? hinh 1
Người biểu tình tại thành phố Los Angeles vào ngày 30/5. Ảnh: EPA-EFE.

Trong khi nhiều nhà lãnh đạo chính trị chấp thuận quyền bày tỏ bất bình của người biểu tình, họ cũng kêu gọi những người biểu tình đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội để bảo vệ bản thân và ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng.

Tới nay, Mỹ ghi nhận hơn 1,8 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 100.000 người tử vong do dịch bệnh. Người da màu là nhóm đối tượng nhiễm bệnh nhiều nhất, với tỷ lệ nhập viện và tử vong do Covid-19 ở người Mỹ da đen vượt xa so với người da trắng.

Vào tuần trước, sự việc người đàn ông ở thành phố Minneapolis là George Floyd bị cảnh sát ghì chết đã châm ngòi cho hàng loạt các cuộc biểu tình ở hàng chục thành phố tại Mỹ. Tuy nhiên, người biểu tình tràn ra đường với sự phẫn nộ tại nhiều thành phố cũng phản ảnh khủng hoảng kép tại Mỹ, từ hàng chục vụ thiệt mạng do cảnh sát gây ra, cho đến sự mất mát đột ngột của gia đình và bạn bè họ do đại dịch Covid-19.

Các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra trong bối cảnh nhiều tiểu bang tại Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế sau nhiều tuần phải đóng cửa khiến hàng triệu người Mỹ thất nghiệp. Các nhà hàng, trường học, bãi biển và công viên đang được xem xét mở cửa trở lại khi người dân thực hiện các hình thức giãn cách xã hội mới.

Tại Los Angeles, nơi biểu tình đã khiến các địa điểm xét nghiệm Covid-19 phải đóng cửa vào ngày 30/5, Thị trưởng Eric Garcetti cảnh báo rằng các cuộc biểu tình có thể trở thành “sự kiện siêu lây lan” và dẫn đến làn sóng dịch Covid-19 thứ 2.

Thống đốc bang Maryland Larry Hogan bày tỏ lo ngại rằng tiểu bang của ông sẽ chứng kiến sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 trong khoảng 2 tuần tới, đó là khoảng thời gian các triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau khi một người nhiễm virus. Thị trưởng thành phố Atlanta, bà Keisha Lance Bottoms đã khuyến cáo những người biểu tình nên đi xét nghiệm SARS-CoV-2 trong tuần này.

Một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho rằng, thực tế là các cuộc biểu tình diễn ra ngoài trời và không gian bên ngoài có thể giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus. Ngoài ra, những người biểu tình cũng đeo khẩu trang và tránh đứng thành nhóm đông.

Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt cho biết: “Không khí ngoài trời có thể làm loãng virus và giảm khả năng lây nhiễm. Nếu có những cơn gió thổi qua, virus sẽ phát tán trong không khí”.

Ông Schaffner nói thêm, đám đông biểu tình thường là những người trẻ và nhóm đối tượng này sẽ có tình trạng bệnh nhẹ hơn nếu họ nhiễm virus, nhưng họ vẫn có nguy cơ lây nhiễm virus cho người thân và các thành viên trong gia đình họ là người cao tuổi và dễ bị tổn thương.

Tuy nhiên, những chuyên gia khác lại bày tỏ lo ngại về rủi ro mà các cuộc biểu tình mang lại. Bác sĩ Howard Markel, nhà sử học y khoa tại Đại học Michigan cho biết: “Đúng là các cuộc biểu tình diễn ra ở bên ngoài, nhưng tất cả mọi người đều đứng gần nhau và trong trường hợp này, việc ở bên ngoài không bảo vệ bạn khỏi nhiễm virus”.

“Các đám đông biểu tình là hoạt động tụ tập đông người ở nơi công cộng, không quan trọng là bạn đang phản đối hay cổ vũ. Đó là một trong những lý do chúng không tôi tổ chức các trận bóng chày lớn hay giải bóng bầu dục đại học vào mùa thu này”, bác sĩ Markel nói.

Mặc dù nhiều người biểu tình đã đeo khẩu trang, nhưng cũng có những người không đeo. Trong khi đó, SARS-CoV-2 – virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 chủ yếu lây lan qua giọt bắn khi mọi người nói chuyện, ho, hắt hơi hay la hét và hô khẩu hiệu trong các cuộc biểu tình, ông Markel nêu rõ.

Cảnh sát đã sử dụng khí ga và hơi cay để giải tán đám đông biểu tình, khiến mọi người ho và chảy nước mắt. Điều này làm tăng tiết dịch từ mắt, mũi và miệng khiến gia tăng nguy cơ lây nhiễm virus. Khi cảnh sát nỗ lực giải tán đám đông tại khu vực đô thị chật hẹp có thể dẫn đến việc mọi người đứng sát lại gần nhau hơn.

Ông Markel cho rằng: “Khi cảm xúc dâng cao, người biểu tình trở nên mất cảnh giác với những người đứng gần và không để ý rằng ai đang đeo khẩu trang và ai không”.

Mối lo ngại lớn nhất của các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm là virus SARS-CoV-2 có thể lây lan bởi những người không có triệu chứng nhiễm bệnh và họ vẫn cảm thấy đủ sức khỏe để tham gia vào các cuộc biểu tình.

“Có một số lượng lớn người mang mầm bệnh không có triệu chứng đang tham gia biểu tình và điều này rất nguy hiểm”, bác sĩ Markel nói.

Tiến sĩ Ashish Jha, Giáo sư và Giám đốc Viện sức khỏe toàn cầu của Đại học Harvard cho biết, hơn một nửa số ca mắc Covid-19 là lây nhiễm từ những người không có triệu chứng.

Theo ông Jha, việc bắt giữ, di chuyển hoặc bỏ tù người biểu tình cũng làm tăng khả năng lây lan virus, đồng thời ông kêu gọi những người biểu tình kiềm chế các hành động bạo lực và cảnh sát giữ thái độ bình tĩnh.

Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cũng đưa ra cảnh báo, các cuộc biểu tình bạo lực sẽ dẫn đến làn sóng lây nhiễm SARS-CoV-2 mới tại Mỹ.

Ông Gottlieb cho rằng, sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội, bao gồm khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thấp, phân biệt đối xử trong các cơ sở y tế, sự phụ thuộc vào giao thông công cộng và khác biệt trong việc làm là những yếu tố dẫn đến sự ảnh hưởng nặng nề do Covid-19 ở người da màu.

“Ngăn chặn đại dịch sẽ phụ thuộc vào khả năng chăm sóc những người dễ bị tổn thương nhất về mặt y tế và xã hội. Chúng tôi cần phải giải quyết những vấn đề tiềm ẩn này để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan rộng”, Tiến sĩ Gottlieb nói./.

Nguồn vov.vn