Big C mở lại đơn hàng may với doanh nghiệp Việt

Trong ngày 04-7, Big C đã mở đơn hàng may mặc cho 50 nhà cung cấp Việt Nam và trong 2 tuần tới sẽ tiếp tục mở cho 100 nhà cung cấp khác

Ngày 04-7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết sáng cùng ngày, ông đã cùng Vụ Thị trường trong nước, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam làm việc với Central Group Việt Nam (chủ sở hữu và quản lý chuỗi siêu thị Big C Việt Nam) về việc doanh nghiệp (DN) này vừa có thông báo tạm ngừng nhập sản phẩm may mặc của DN Việt Nam.

Bảo vệ lợi ích doanh nghiệp Việt

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Central Group đang sắp xếp lại việc bán các sản phẩm may mặc trong hệ thống siêu thị Big C nên cần phải có thời gian để thực hiện, thông báo tạm ngừng nhập hàng. “Phía Central Group khẳng định việc dừng nhập hàng chỉ là tạm thời trong vòng 15 ngày, đồng thời gửi thư đến các đối tác để giải thích rõ việc này”- ông Hải nói.

Big C mở lại đơn hàng may với doanh nghiệp Việt - Ảnh 1.

Hàng may mặc Việt Nam bán trong Big C Ảnh: Quang Nhật

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết hiện nay có khoảng 4.000 nhà sản xuất đang cung cấp sản phẩm cho phía Central Group, trong đó có khoảng 200 nhà sản xuất các măt hàng dệt may. Central Group giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, đóng góp ngân sách lớn cũng như tham gia các chương trình thu mua sản phẩm nông sản với chiết khấu 0%, chương trình Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Dù vậy, trong sự việc này, ông Hải khẳng định quan điểm của Bộ Công Thương là bảo đảm lợi ích chính đáng của các DN Việt Nam nhưng mặt khác cũng bảo vệ quyền của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Trong vụ việc giữa 200 nhà cung ứng và Central Group, ông Hải cho biết sẽ được giải quyết dựa trên hợp đồng hai bên đã ký kết với nhau, đồng thời tuân thủ pháp luật Việt Nam về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sau buổi làm việc với Bộ Công Thương, Central Group cam kết sẽ mở lại đơn hàng ngay trong ngày cho 50 nhà cung cấp hàng may mặc. Trong vòng 2 tuần tới, khoảng 100 nhà cung cấp sẽ tiếp tục được mở đơn hàng. Đối với 50 nhà cung cấp còn lại, Central Group sẽ tiếp tục làm việc kỹ hơn với các đơn vị này để đáp ứng các quy định, cam kết theo hợp đồng đã ký.

Đàm phán cùng hợp tác

Chuyên gia kinh tế độc lập Đinh Thế Hiển nhìn nhận cùng lúc có đến 200 nhà cung cấp bị tạm dừng đặt hàng thì việc cần làm là các nhà cung cấp gặp nhau để thảo luận xem đúng hay sai. Hầu hết DN cung cấp hàng may mặc cho Big C là DN nhỏ, không có luật sư phụ trách pháp lý; trong trường hợp này, các DN hoàn toàn có thể hợp sức lại thuê luật sư kinh tế. Nhiệm vụ của luật sư kinh tế không phải là đi kiện mà là nhận diện hợp đồng, đúng sai của 2 bên để hỗ trợ thân chủ đàm phán với đối tác sao cho có lợi nhất.

Ngoài ra, một số DN là thành viên của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hội Dệt may Thêu đan TP HCM có thể nhờ hiệp hội, hội đại diện DN đàm phán lại với nhà phân phối. Trường hợp trong thỏa thuận hợp tác đã ký giữa 2 bên, DN gặp bất lợi về mặt pháp lý thì hiệp hội, hội vẫn có thể đại diện DN đàm phán với Big C để có bước thỏa thuận hợp lý nhất.

Trong trường hợp nhà phân phối sai, DN cung ứng có thể kiện đòi bồi thường.

Theo các chuyên gia bán lẻ, luật pháp Việt Nam không bắt buộc các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam phải cam kết tỉ lệ hàng Việt trong cửa hàng/hệ thống của họ, bởi quy định đó cũng được xem là rào cản trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia trên thế giới, khi một nhà bán lẻ ngoại thâm nhập thị trường đều nhắm đến mục tiêu bán hàng cho người tiêu dùng tại thị trường đó và tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh nên luôn ưu tiên cho hàng hóa trong nước, đồng thời tìm kiếm, phát triển nguồn cung tại chỗ. Hàng nhãn riêng cũng là 1 dạng của hàng hóa trong nước được gia công cho nhà bán lẻ. Do vậy, DN muốn cung ứng hàng cho siêu thị, duy trì sự hiện diện trên kệ hàng thì phải luôn chủ động cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã, giảm giá thành lẫn hoạt động marketing, bán hàng để nâng khả năng cạnh tranh.

Bán trên 90% hàng Việt Nam

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết trong buổi làm việc với Central Group, DN này không phàn nàn về chất lượng sản phẩm của 200 nhà cung ứng phía Việt Nam nhưng họ nhấn mạnh muốn nâng số lượng hàng chất lượng cao hơn nữa trong hệ thống Big C. “Đây là chiến lược kinh doanh mới của Central Group, họ đang xác lập lại hệ thống, tập trung nhiều hơn vào mặt hàng chất lượng cao. Chúng ta tôn trọng chiến lược kinh doanh của đối tác nhưng sẽ giám sát về tính tuân thủ pháp luật Việt Nam trong vấn đề cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng” – bà Nga khẳng định.

Bà Lê Việt Nga cũng cho hay hiện chúng ta chưa có quy định về tỉ lệ hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị của các nhà bán lẻ nước ngoài. Trong trường hợp Big C, bà Nga nhấn mạnh Central Group cam kết duy trì tỉ lệ hàng Việt ở các hệ thống siêu thị trên 90%, trong đó các mặt hàng nông sản ở siêu thị Big C chiếm tỉ lệ rất cao, bán rất tốt. Trong khi đó, tỉ lệ hàng Thái Lan chỉ chiếm 1,26% trên toàn hệ thống Big C. Đặc biệt trong năm 2018, tỉ lệ hàng Việt Nam trong hệ thống siêu thị Big C lên tới 96%.

Nguồn NLĐ