Bộ NN&PTNT triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân các tỉnh phía Nam

(THTG) Ngày 11-10, tại tỉnh Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch và giải pháp sản xuất vụ đông xuân 2019-2020 các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội nghị, các nhà khoa học đã phân tích tình hình thời tiết, khí tượng thuỷ văn, nguồn nước phục vụ sản xuất cho khoảng 1,67 triệu hecta lúa Đông Xuân 2019-2020. Theo các nhà khoa học, vụ lúa Đông Xuân năm nay dự báo sẽ khó khăn hơn so với mọi năm, do lũ về muộn và mực nước thấp, lượng mưa ít và mùa mưa kết thúc sớm, mặn có khả năng xuất hiện sớm và xâm nhập sâu, các đối tượng dịch hại nguy hiểm có nhiều khả năng bùng phát, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đứng ở mức cao, trị giá xuất khẩu gạo giảm…

vlcsnap-2019-10-11-14h50m21s314

vlcsnap-2019-10-11-14h50m49s399

Quang cảnh hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân các tỉnh phía Nam. Ảnh: Minh Trí

Trước những khó khăn đó, để sản xuất thắng lợi vụ lúa Đông Xuân 2019-2020, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực Nam bộ chỉ đạo các ngành, các cấp chỉ bố trí sản xuất lúa ở những vùng có đủ 3 tháng cung cấp nước ngọt, bảo đảm nước tối thiểu đến giai đoạn lúa ngậm sữa. Khung thời vụ chung toàn vùng từ 10/10 đến 31/12/2019 và phải kết thúc xuống giống trước 10/01/2020. Về cơ cấu giống, cần quan tâm chọn giống ngắn ngày, khả năng thích ứng rộng, khả năng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu gạo tốt. Riêng đối với các vùng có nguy cơ mặn xâm nhập, cần quan tâm chọn các giống lúa chịu mặn dưới 4/1000. Ngoài ra, các địa phương cần thông báo rộng rãi và đề nghị các doanh nghiệp chủ động điều tiết lượng vật tư cho sản xuất, tránh trường hợp thiếu hụt cục bộ, dẫn đến biến động giá, xây dựng các phương án sản xuất có trọng tâm, phù hợp điều kiện thực tế, triển khai các giải pháp phục vụ sản xuất một cách đồng bộ, không chủ quan với diễn biến hạn mặn…

 vlcsnap-2019-10-11-14h51m21s273

Các giống lúa, gạo trưng bày tại hội nghị. Ảnh: Minh Trí

Đối với cây ăn trái, cần củng cố hệ thống đê bao, chủ động ngăn ngừa nước mặn xâm nhập, đồng thời sử dụng nguồn nguyên vật liệu hữu cơ hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc, bổ sung thêm phân Sulphate kali, vôi bột, phun thêm phân bón lá và các chế phẩm để tăng cường khả năng chống chịu hạn mặn, nhất là không trồng cây mới trong thời gian thiếu nước ngọt,…

vlcsnap-2019-10-11-14h50m42s483

Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Trí

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang khẳng định, Tiền Giang đang tập trung cao cho công tác triển khai sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2019 – 2020, dự kiến xuống giống hơn 58.650 hecta, ước năng suất đạt 71,7 tạ/hecta, tổng sản lượng đạt khoảng 420.500 tấn. Các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tx. Cai Lậy, một phần huyện Châu Thành và một phần  của huyện Tân Phước tập trung xuống giống ngày từ ngày 20/11 đến 30/11/2019. Một phần huyện Tân Phước còn lại, một phần huyện Châu Thành, thành phố Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Tây, huyện Gò Công Đông, thị xã Gò Công sẽ tập trung xuống giống từ 05/12 đến 15/12/2019. Trên tinh thần đó, tỉnh Tiền Giang sẽ chỉ đạo chính quyền địa phương và ngành chuyên môn chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống hạn mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 và sinh hoạt của nhân dân an toàn và đảm bảo.

Kim Nữ