Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm việc với tỉnh Tiền Giang về công tác quản lý cải cách tư pháp và luật sư
(THTG) Ngày 30-7, ông Lê Thành Long – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng đoàn công tác liên ngành Trung ương khảo sát, đánh giá kết quả tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách Tư pháp (CCTP) đến năm 2020 và tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức và hoạt động của luật sư đến làm việc tại tỉnh Tiền Giang. Ông Võ Văn Bình – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang; cùng các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp và làm việc với đoàn công tác trung ương.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh – Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy báo cáo kết quả tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW. Ảnh: Lê Long
Ông Nguyễn Văn Vĩnh – Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy báo cáo tóm tắt, đánh giá kết quả tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về Chiến lược Cải cách Tư pháp (CCTP) đến năm 2020. Theo đánh giá chung, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác Tư pháp, từng bước đề cao trách nhiệm và tạo được chuyển biến khá đồng bộ của cả hệ thống chính trị đối với công tác tư pháp. Chất lượng công tác Tư pháp ở các khâu từ bắt, giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động hỗ trợ tư pháp nhiều mặt có nhiều chuyển biến. Đặc biệt, không xảy ra trình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Bà Nguyễn Thị Đang – Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lê Long
Bà Nguyễn Thị Đang – Giám đốc Sở Tư pháp Tiền Giang cho biết, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức và hoạt động của luật sư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, các cấp ủy, cơ quan, tổ chức đã nhận thức rõ vai trò, vị trí của luật sư và có sự quan tâm hơn đến hoạt động của luật sư. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động hành nghề luật sư được thực hiện hiệu quả, đảm bảo trật tự, kỷ cương. Hoạt động hành nghề luật sư ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò trong việc góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội và pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần đẩy mạnh việc thực hiện cải cách tư pháp ở địa phương…
Các thành viên trong Đoàn khảo sát trao đổi ý kiến làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến khó khăn, vướng mắc của tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua và ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các cơ quan tư pháp, sở, ngành, đoàn thể tỉnh Tiền Giang.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị Tiền Giang hoàn thiện báo cáo Nghị quyết 49 và Chỉ thị 33 trong thời gian tới. Ảnh: Lê Long
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Trung ương thành lập 5 đoàn khảo sát đánh giá kết quả tổng kết Nghị quyết 49 và Chỉ thị 33, nhằm xem xét thực tiễn áp dụng ở các địa phương, trên cơ sở đó sẽ kiến nghị để có thể tiếp tục thực hiện, chỉnh sửa một phần hoặc thay thế bằng Chỉ thị, Nghị quyết khác. Bộ trưởng đề nghị, Tỉnh ủy Tiền Giang cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa, đặc biệt các việc đang thực hiện trong Nghị quyết 49 và Chỉ thị 33; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về những nội dung liên quan, kiểm gia, giám sát các cơ quan Đảng vể xử lý những vụ việc cụ thể, đảm bảo sự thống nhất trong tham mưu của các cơ quan có liên quan. Bên cạnh đó, cần phải lãnh đạo tốt hoạt động của đoàn luật sư, công tác quản lý cải cách tư pháp và quản lý luật sư. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đề nghị tỉnh Tiền Giang tổng hợp các số liệu và ý kiến đóng góp, để hoàn thiện báo cáo về Nghị quyết 49 và Chỉ thị 33 gởi về Trung ương xem xét cho ý kiến trong thời gian tới.
Thanh Thảo
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.