Bộ Tư pháp: Nâng cao chất lượng góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Ngày 15/3, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo báo cáo kết quả lấy ý kiến của Bộ Tư pháp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Đây là đợt sinh hoạt chính trị -pháp lý quan trọng, có tác dụng giáo dục, phổ biến, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với việc xây dựng Hiến pháp, tôn trọng, thi hành Hiến pháp. Đối với Bộ, Ngành Tư pháp, đây được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Bộ, Ngành trong năm 2013.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu khai mạc tại
 Hội nghị. Ảnh:TH 

Trên cơ sở dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến của Bộ về Dự thảo, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu thảo luận, làm rõ các vấn đề đã được thể hiện trong dự thảo báo cáo, từ bố cục cho đến nội dung, bảo đảm báo cáo của Bộ phải phán ánh một cách đầy đủ, khách quan, chính xác và trung thực ý kiến của các cán bộ, công chức, viên chức của Bộ, Ngành đối với Dự thảo, đặc biệt là các đề xuất, kiến nghị. Đồng thời, tập trung góp ý vào những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, Ngành nhưng cần được thể hiện ở tầm quy định của Hiến pháp.

Đến thời điểm này, về cơ bản việc tổ chức lấy ý kiến vào Dự thảo trong Ngành đã được các cơ quan tư pháp, pháp chế, thi hành án dân sự từ Trung ương đến địa phương triển khai một cách nghiêm túc, công khai, dân chủ, dưới nhiều hình thức phong phú, bám sát kết luận của Hội nghị Trung ương 2 và 6, cũng như Chỉ thị của Bộ Chính trị, kế hoạch của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo đó, đã có hơn 1.300 ý kiến góp ý vào Dự thảo. Về cơ bản, các ý kiến đóng góp đã bám sát Hướng dẫn số 239/HD-YBDTSDHP ngày 23/2/2013 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Kết quả lấy ý kiến đã được đảm bảo tiến bộ; nhiều ý kiến góp ý thể hiện tâm huyết với ý thức trách nhiệm, có chất lượng cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số văn bản, ý kiến góp ý chưa thực sự sâu, chủ yếu góp ý về mặt kỹ thuật; …

Tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, nội dung Dự thảo đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong Cương lĩnh và văn kiện của Đại hội Đảng khóa XI về định hướng phát triển đất nước, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Dự thảo đã có nhiều đổi mới trong việc phân công thực hiện quyền lực, xác lập cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Cơ chế bảo đảm dân chủ đã có những tiến bộ.

Cùng với đó, Dự thảo đã xác lập cơ chế bảo đảm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu xây dựng nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc…Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung của Dự thảo cần phải tiếp tục hoàn thiện.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) Bạch Quốc An: Ghi nhận quyền con người, quyền công dân vào chương II Dự thảo là bước đổi mới. Song, trong phạm vi rộng Hiến pháp không thể ghi nhận tất cả cả quyền mà chỉ ghi nhận các quyền và nghĩa vụ cơ bản. Do đó, việc trao quyền có thể quy định bằng các văn bản dưới luật, hạn chế quyền bằng văn bản luật.

Ông Bạch Quốc An cho rằng: Trong một số trường hợp, quyền không thể đồng thời là nghĩa vụ, mà nên đặt trong một mối quan hệ nhất định. Khi xây dựng các quyền và nghĩa vụ công dân trong Hiến pháp nên có sự đối chiếu với các công ước Quốc tế mà Việt Nam đã là thành viên; nên tập trung nhều hơn các quyền dân sự, chính trị.