Bộ Y tế ban hành hướng dẫn điều trị cúm A/H7N9

       Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm H7N9 tại Trung quốc, ngày 10/4, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H7N9 ở người.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.


  
Theo hướng dẫn, virus cúm A/H7N9 là chủng mới có nguồn gốc gen từ virus cúm gia cầm và một số loài chim, có khả năng gây nhiễm cho người dẫn đến viêm phổi nặng và tiến triển nhanh, tỉ lệ tử vong cao. 

Được biết, đường lây truyền của virus cúm A/H7N9 hiện tại chưa được hiểu rõ và chưa có bằng chứng về sự lây truyền virus từ người sang người.
 
Theo đó, các ca bệnh nghi ngờ nhiễm cúm A/H7N9 là ca bệnh nghi ngờ có biểu hiện lâm sàng như đã có tiền sử đi vào vùng có ca bệnh, tiếp xúc gần với gia cầm và một số loài chim bị bệnh, tiếp xúc gần với người bệnh nghi ngờ. Bên cạnh đó, người bệnh có các biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp như: sốt, ho, khó thở, có tổn thương mô phổi. Những ca bệnh xác định nhiễm cúm A/H7N9 là ca bệnh có những biểu hiện lâm sàng nghi ngờ như trên và được khẳng định qua các xét nghiệm. 

Bộ Y tế yêu cầu, những bệnh phẩm để chẩn đoán người nhiễm cúm gồm dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản, dịch phế nang… Đối với các trường hợp đầu tiên nghi nhiễm cúm A/H7N9, các đơn vị cần lưu mẫu và chuyển mẫu đến các cơ sở xét nghiệm được Bộ Y tế cấp phép khẳng định.
 
Về nguyên tắc điều trị, các ca bệnh nghi ngờ đều phải được khám tại bệnh viện, cách ly và được làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định bệnh.Các ca bệnh đã xác định nhiễm cần nhập viện và cách ly hoàn toàn và sử dụng thuốc kháng virus (oseltamivir hoặc zanamivir) càng sớm càng tốt.

Đối với các cơ sở điều trị, trong trường hợp có trường hợp bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 nặng đáp ứng chậm với thuốc kháng virus thì có thể dùng liều gấp đôi và thời gian điều trị có thể kéo dài đến 10 ngày hoặc đến khi xét nghiệm virus trở về âm tính. Đặc biệt, các cơ sở y tế cần theo dõi chức năng gan, thận của bệnh nhân để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp.
 
Đặc biệt, đối với những bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 nếu sốt trên 38,5 độ thì cơ sở điều trị cần cho dùng thuốc hạ sốt paracetamol với liều 10-15mg/kg ở trẻ em, với người lớn không quá 2g/ngày. Trường hợp bệnh nhân bị bội nhiễm phế quản phổi thì nên dùng kháng sinh có hiệu lực với vi khuẩn gây nhiễm khuẩn bệnh viện.
 
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tiêu chuẩn được xuất viện đối với người nhiễm cúm A/H7N9 khi hết sốt 5-7 ngày và mạch, huyết áp, nhịp thở, các xét nghiệm máu trở về bình thường. Sau khi xuất viện, người bệnh phải tự theo dõi nhiệt độ 12 giờ/lần, nếu nhiệt độ cao hơn 38 độ ở hai lần đo liên tiếp hoặc có dấu hiệu bất thường khác phải đến khám lại ngay tại nơi đã điều trị.
 
Hiện nay, trong công tác điều trị chưa có vắcxin đặc hiệu với virus cúm A/H7N9 dùng cho người. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ nhiễm cúm A/H7N9 thì không xếp chung người bệnh nghi ngờ với các người bệnh khác; những ca nghi ngờ mắc bệnh phải mang khẩu trang ngoại khoa khi ở trong buồng bệnh cũng như khi đi ra ngoài buồng bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng lây nhiễm cúm A/H7N9 bao gồm tăng cường tuyên truyền, không buôn bán vận chuyển, giết mổ, sử dụng gia cầm chưa được kiểm dịch đúng quy định; che miệng, mũi khi ho, hắt xì, xì mũi bằng khăn giấy hoặc vệ sinh tay; sử dụng đồ phòng hộ, rửa tay bằng xà phòng khi tiếp xúc gia cầm; tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh hô hấp cấp.