Bốn vấn đề được kiến nghị qua nhiều kỳ họp cần đặc biệt quan tâm giải quyết
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ đặc biệt quan tâm giải quyết bốn vấn đề mà nhiều cử tri kiến nghị qua nhiều kỳ họp Quốc hội.
Đây là vấn đề được nêu trong báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII được trình bày tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 15/11.
Theo báo cáo, toàn bộ 914 kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, nghiên cứu, giải quyết và có văn bản trả lời (đạt tỷ lệ 100%).
Đáng chú ý, đánh giá về việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành, báo cáo nhấn mạnh: Phần lớn các Bộ trưởng, Trưởng ngành đều xác định rõ trách nhiệm chính trị của mình trước cử tri nên đã rất tích cực nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; chất lượng và số lượng trả lời các kiến nghị của cử tri cũng từng bước được nâng lên rõ rệt; đã phân loại và xác định đúng, rõ ràng các kiến nghị cần tiếp thu, giải quyết, các kiến nghị cần thông tin giải trình tới cử tri. Các kiến nghị của cử tri đã được thông tin, giải trình, trả lời cụ thể, rõ ràng, rành mạch hơn trước, được cử tri đồng tình, đánh giá cao. Tỷ lệ các kiến nghị được tiếp thu để xử lý, giải quyết dứt điểm dưới dạng ban hành sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật hoặc tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm chiếm 20,56 % là cao so với kỳ họp trước . ..
Tuy nhiên, báo cáo nhận xét, vẫn còn hiện tượng quá chú trọng tới việc trả lời cử tri mà chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết các kiến nghị của cử tri. Việc phân loại kiến nghị cử tri của một số bộ, ngành còn chưa thực sự rõ ràng; còn hiện tượng những kiến nghị của cử tri cần phải tiếp thu, giải quyết, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật có liên quan thì lại phân loại ở dạng nội dung thông tin giải trình cho cử tri. Có những kiến nghị thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành cần phải tổ chức thanh tra, kiểm tra, kết luận, xử lý trách nhiệm, từ đó mới có căn cứ để trả lời cử tri, nhưng một số bộ, ngành chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra, kết luận đã ban hành văn bản trả lời cử tri.
Nhiều kiến nghị của cử tri yêu cầu các cơ quan nhà nước phải giải quyết các vấn đề dân sinh, bức xúc, nhưng nội dung trả lời các kiến nghị này lại chưa thật sự rõ ràng, thiếu lộ trình cụ thể hoặc chỉ viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp để trả lời cử tri nên chưa đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của cử tri như: Một số văn bản trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ…
Có những văn bản không trả lời thẳng vào nội dung kiến nghị của cử tri mà trả lời chung chung, không đưa ra lộ trình và biện pháp giải quyết. Vì vậy, cử tri lại tiếp tục kiến nghị như: Nội dung trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về bố trí vốn từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ để tiếp tục thực hiện các dự án bị tạm đình, hoãn; trả lời của Bộ Công thương về quản lý thị trường, phòng chống hàng nhái, hàng giả, gian lận thương mại; về trách nhiệm trong triển khai thực hiện dự án đầu tư mở rộng khu gang thép Thái Nguyên; trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xử lý vi phạm về phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng; trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường về xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản, khai thác cát, đá, sỏi…
Việc ban hành văn bản trả lời kiến nghị cử tri là trách nhiệm của Bộ trưởng, Trưởng ngành, tuy nhiên vẫn còn một số bộ, ngành, Bộ trưởng, Trưởng ngành không trực tiếp trả lời kiến nghị cử tri mà lại giao cho cấp phó trả lời là chưa thể hiện hết trách nhiệm của Bộ trưởng, Trưởng ngành đối với cử tri và Nhân dân cả nước như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc…
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị của cử tri, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành rà soát, nghiên cứu để giải quyết các kiến nghị tại các kỳ họp trước còn tồn đọng (đã được xác định là đang giải quyết). Đồng thời, có kế hoạch, lộ trình cụ thể để giải quyết dứt điểm 142 kiến nghị của cử tri gửi tới các kỳ họp trước thuộc nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIII. Trong đó, đặc biệt quan tâm giải quyết bốn vấn đề mà nhiều cử tri kiến nghị qua nhiều kỳ họp Quốc hội, đó là: Tính ổn định của các phương án tổ chức thi tốt nghiệp PTTH và xét tuyển vào đại học, cao đẳng; Vấn đề vi phạm pháp luật và các biến tướng trong hoạt động bán hàng đa cấp; Vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có chính sách đột phá trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; Vấn đề quản lý và xử lý các sai phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản, chặt phá rừng trái phép./.
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.