Bóng đá nữ và những giấc mơ giản dị ngày 8/3
Bao năm qua, bóng đá nữ vẫn thiệt thòi hơn rất nhiều so với đồng nghiệp nam cho dù những thành tích mà các cô gái Việt Nam làm được luôn đáng tự hào.
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày quốc tế phụ nữ 8/3 là giải bóng đá nữ VĐQG diễn ra. VFF đã cố xếp lịch thi đấu trùng với ngày đặc biệt này, để các nữ cầu thủ được hưởng niềm vui trọn vẹn cùng niềm đam mê. Với bóng đá nữ, niềm vui của họ đơn giản chỉ là những bó hoa, hay sự cổ vũ vô tư của khán giả, nhưng điều đó cũng trở nên xa xỉ.
Bao năm qua, bóng đá nữ vẫn thiệt thòi hơn rất nhiều so với đồng nghiệp nam cho dù những thành tích mà các cô gái Việt Nam làm được luôn đáng tự hào.
Vậy mà giải bóng đá nữ VĐQG 2015 diễn ra trong sự thờ ơ của khán giả TP.HCM, mới thấy thật tủi thân cho phận hoa hồng theo nghiệp quần đùi áo số.
Chỉ có vài trăm CĐV tới sân xem các nữ cầu thủ thi đấu, điều này khiến chính tân HLV trưởng tuyển nữ quốc gia, ông Norimatsu Takashi, cũng phải ngạc nhiên. Trong khi đó, HLV trưởng TP.HCM Đoàn Thị Kim Chi, cô gái vàng của bóng đá Việt Nam, dường như khá quen với sự thờ ơ của khán giả ngay chính trên sân nhà Thống Nhất. Kim Chi cho biết, bóng đá nữ thiệt thòi đủ đường từ lâu nên cũng chẳng bao giờ chúng tôi đi so sánh với các đồng nghiệp nam. Tất cả cùng cố gắng và hy vọng một ngày bóng đá nữ sẽ được quan tâm đúng mức.
Thiệt thòi đủ đường, nhưng các cô gái đá bóng vẫn tự tìm cho mình những niềm vui nhỏ trong ngày dành riêng cho phái nữ. Một cầu thủ chia sẻ, trong ngày 8/3, đội nào dư dả tiền thì đi ăn nhà hàng, còn đội nào không có điều kiện, có thể tự mua hay làm bánh, hoa quả để liên hoan.
Ở ngay trận khai mạc giải bóng đá nữ VĐQG năm nay, hình ảnh đội tuyển nữ TP.HCM mang bánh tráng tới sân để ăn mừng chiến thắng trận ra quân, khiến nhiều người cảm động và suy ngẫm. Trong khi bóng đá nam được thưởng vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ cho mỗi chiến thắng, thì niềm vui của những cô gái đá bóng chẳng đáng là bao, mang ý nghĩa tinh thần là chính.
“Đến dịp 8/3, chị em chủ yếu tự mua hoa, mua quà tặng nhau thôi. Chúng em quen như vậy rồi, nói nhiều cũng chẳng thay đổi, miễn là cảm thấy vui”, thủ môn Kiều Trinh của đội nữ TP.HCM chia sẻ.
Trong khi đó, những cầu thủ phải thi đấu xa nhà càng cảm thấy chạnh lòng trong ngày 8/3. Một cầu thủ của đội Phong Phú Hà Nam chia sẻ, Trong nhìn nhiều người con gái khác được bên gia đình, người thân mỗi dịp thế này, cả đội ai cũng thấy chạnh lòng lắm. Nhưng đã theo nghiệp bóng đá, phải xác định ngay từ đầu sụt thiệt thòi ấy.
Để giúp các cầu thủ vơi đi nỗi chạnh lòng, VFF đã quyết định thưởng 200 nghìn đồng cho mỗi người trong ngày 8/3, cũng là món quà nhỏ nhưng giúp bóng đá nữ có thêm niềm vui trong ngày họ xứng đáng nhận nhiều hơn như thế.
Thiệt thòi đủ đường, nhưng giấc mơ với bóng đá nữ luôn cháy bỏng, dù đó chỉ là những điều ước giản dị.
HLV Kim Chi ước rằng giải bóng đá nữ sẽ có đông khán giả đến sân hơn. Nhìn cảnh CĐV xếp hàng mua vé xem đội tuyển U19, chẳng lẽ bóng đá nữ không đá đẹp, không cống hiến. Cũng theo HLV thuộc thế hệ vàng bóng đá nữ Việt Nam này, chắc chắn nếu CĐV tới sân đông cổ vũ vô tư, bóng đá nữ sẽ quên hết những thiệt thòi mà họ gặp phải.
Trong khi đó, thủ môn Kiều Trinh lại mơ về một tổ ấm hạnh phúc. Bao năm qua cô theo nghiệp bóng đá, mất luôn tuổi thanh xuân. Giờ bạn bè cùng lứa có chồng con cả, trong khi Kiều Trinh vẫn “vườn không nhà trống”.
Những giấc mơ giản dị của bóng đá nữ còn nhiều lắm, nhưng thực tế không phải ai cũng thực hiện được. Đó thực sự là trăn trở với những người yêu mến cầu thủ nữ và cả những người làm bóng đá nữ nước nhà./.
Nguồn Dân trí
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.