Bóng đá Việt và vòng quay của Rồng.
Tròn một vòng quay của 12 con giáp, từ Canh Thìn 2000 đến Nhâm Thìn 2012, bóng đá Việt Nam có những sự kiện trùng lặp từ sân chơi trong nước đến thách thức ở đấu trường khu vực.
Bóng đá Việt Nam chỉ một lần giành được vinh quang trên đỉnh cao Đông Nam Á trong vòng 12 năm qua. |
Từ V-League đến Super League
12 năm trước, cụ thể là ngày 3-12-2000, bóng đá Việt chính thức bước vào lộ trình chuyên nghiệp hoá dưói cái tên V-League, mà vào cái thời điểm ấy, chẳng ai, kể cả dân trong nghề biết hết “chữ Chuyên” kia nó tròn méo thế nào.
“Cứ đi rồi sẽ thành đường”, bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam được bắt đầu như thế mà sự thay đổi rõ nhất là sự xuất hiện của các “ông Tây trên sân cỏ nội” cùng dòng tiền tỷ từ hầu bao doanh nghiệp mà đại diện là những ông bầu cứ cuồn cuộn đổ vào.
12 năm, bộ mặt bóng đá đã hoàn toàn thay đổi bởi sự giàu có đến chóng mặt của mình. Nhưng tiếc là cơn lốc Tiền kia lại chẳng hề mang tới sự phát triển tương xứng về chuyên môn khi những giá trị mang tính nền tảng bị bỏ qua trước sức ép quá lớn của thành tích kiểu chụp giật, hoặc của những mục tiêu kinh tế nằm ngoài sân cỏ. Một nền bóng đá mà theo nhận định từ vị chuyên gia lâu năm, thực chất vẫn chỉ là “nghiệp dư, nhưng lĩnh lương chuyên nghiệp”.
Và hệ quả của sự trì trệ trong vòng xoáy đồng tiền thời lên chuyên đã khiến cả nền bóng đá quốc gia lại phải bước vào ngã rẽ mới lịch sử bằng “cuộc khởi nghĩa” của các ông bầu doanh nghiệp để rồi vào cuối năm 2011, VFP ra đời - tổ chức thay cho VFF quản lý, điều hành các giải đấu trong nước.
Thay đổi lớn nhất từ Canh Thìn 2000 đến Nhâm Thìn 2012 chính là việc - bóng đá trong nước không chỉ chuyện riêng của những người chỉ biết đá quả bóng và chờ tiền tài trợ, mà lúc này bóng đá đã thuộc những người biết dùng bóng đá để kinh doanh và phát triển.
Tất nhiên, đã là một cuộc kinh doanh thì sự thành - bại luôn bỏ ngỏ và dù là dưới thời VPF cùng tên mới Super League thì khó khăn lẫn thách thức với bóng đá Việt vẫn cứ là hiện hữu mà cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình còn chưa đến hồi chót, hay những rắc rối cũ của sân cỏ nội (sai sót của trọng tài, tình trạng bạo lực…) sớm trở lại là minh chứng. Nhưng dù sao, ở lần “xuất phát lại” trong năm con Rồng kế tiếp này, hy vọng sẽ có bước chuyển lớn từ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam để thực sự sẽ trở thành chuyên nghiệp.
Từ Tiger Cup 2000 đến AFF Cup 2012
12 năm của vòng quay con giáp Rồng không chỉ cùng đánh dấu bước chuyển ở sân chơi trong nước mà thật kỳ lạ cũng đánh dấu cuộc khủng hoảng ở thượng tầng của nền bóng đá quốc gia - cấp đội tuyển với giải vô địch Đông Nam Á.
Tiger Cup 2000 diễn ra tại Thái Lan được đặt nhiều kỳ vọng sau khi tuyển Việt Nam “để hụt” mất chiếc Cúp Vàng vào hai năm trước ngay trên sân nhà. Thế nhưng, cũng kể từ trận thua đau trước người Singapore, mối quan hệ giữa Alfred Riel với VFF chẳng còn nồng ấm và Liên đoàn quyết định “trảm” ông thày người Áo ngay trước thềm Tiger Cup năm đó. Hệ quả là tuyển Việt Nam dù nhất bảng B, nhưng thua Indonesia ở bán kết và thua nốt của Malaysia trong trận đấu tranh HCĐ.
12 năm sau, bóng đá Việt Nam cũng đang trong hoàn cảnh tương tự. Thất bại cay đắng tại SEA Games đã khép lại triều đại ngắn ngủi của ông thày ngoại thứ 8 cũng tới từ trời Âu, Falko Goetz và cùng những biến động mạnh ở sân chơi nội, còn khiến cuộc khủng hoảng lần này trở nên trầm trọng hơn rất nhiều.
Thất bại trên đất Indonesia vào năm con Mèo còn chỉ ra sự tụt hậu đáng quan ngại cả về lực lượng lẫn trình độ chuyên môn của bóng đá Việt Nam dù chỉ so ở tầm khu vực mà ai cũng hiểu chuyện bước vào năm con Rồng với vị trí số 1 Đông Nam Á trên bảng xếp hạng FIFA chỉ là chuyện “hữu danh kém thực”.
Tóm lại, thể thao Việt Nam bước vào năm Nhâm Thìn với nhiều hy vọng lớn, trong đó có cả sự thành công từ bóng đá đang được chờ đợi từ Super League và AFF Cup.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.