Bục hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2: Mất liên lạc với hàng chục người dân

Chiều 13-9, tại đập thủy điện Sông Bung 2 (thôn Pà Ooi, xã Zuôih, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) xảy ra sự cố bục nước hầm dẫn dòng (nằm dưới đáy thân đập – PV) cuốn mất tích 2 công nhân đang thi công và mất liên lạc với hàng chục người dân, gây hoang mang cho vùng hạ du.

Đập thủy điện Sông Bung 2

Tất tả chạy lũ thủy điện

Vào khoảng 17 giờ ngày 13-9, người dân các xã Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Sơn, Đại Hồng (huyện Đại Lộc) nghe tin đồn vỡ đập thủy điện Sông Bung 2 liền mang tài sản chạy lũ. Bởi, các xã Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Sơn, Đại Hồng đã từng hứng chịu cơn lũ thủy điện từ thủy điện A Vương nên chỉ nghe thông tin vỡ đập thủy điện, hàng trăm hộ dân dáo dác bỏ nhà chạy thoát thân.

Cống dẫn dòng (vòng tròn đỏ) bị bục nước dẫn đến sự cố

Không chỉ người dân xã Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Sơn, Đại Hồng bỏ nhà cửa chạy lũ thủy điện, trong buổi chiều tối 13-9, người dân sống dọc hệ thống sông Vu Gia hoang mang trước thông tin vỡ đập thủy điện Sông Bung 2.

Trong khi đó, hàng trăm hộ dân tại các xã La Êê, Chơ Chun, Chà Vàl bỗng chốc bị nước lũ dâng cao cô lập, không kịp chạy thoát thân. Nhiều nhà cửa của người dân bị lũ nhấn chìm.

Ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, sau khi xảy ra sự cố bục nước cống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2, nước dâng đột ngột và chảy xiết làm cô lập nhiều ngôi làng, cuốn trôi 3 ngôi nhà ở xã La Êê. Do sự cố xảy ra lúc trời tối, việc sơ tán nhân dân gặp khó khăn, vì vậy chính quyền địa phương huy động lực lượng Công an, Quân đội, Dân quân địa phương sơ tán dân đến nơi an toàn.

Theo ông A Lăng Mai, thống kê chưa đầy đủ của huyện Nam Giang, có ít nhất 34 người dân các xã La Êê, Chơ Chun, Chà Vàl đi làm rẫy, lao động,… khu vực hạ du đập thủy điện Sông Bung 2 gia đình chưa liên lạc được. Trong số hàng chục người dân đi làm rẫy, lao động tại khu vực hạ du đập thủy điện Sông Bung 2 trong ngày 13-9 chỉ có 2 người trở về nhà. Hiện số phận của những người dân này vẫn chưa biết thế nào. Hiện nay UBND huyện Nam Giang chỉ đạo các xã nắm thông tin để báo cáo cho huyện vào sáng 14-9.

Bục cống dẫn dòng thủy điện

Thủy điện Sông Bung 2 là thủy điện cao nhất ở phía thượng nguồn Sông Bung. Bờ đập có điểm cao nhất 98m, dài 477m, cao trình mực nước dâng bình thường 605m (so với mực nước biển). Trên dòng sông Bung có 5 nhà máy thủy điện, gồm: Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5 và Sông Bung 6. .

Đập thủy điện Sông Bung 2 nằm trên nhánh sông Bung (thuộc thôn Pà Ooi, xã Zuôih, huyện Nam Giang) nằm sâu trong rừng, thượng nguồn sông Vu Gia. Từ Đà Nẵng (hoặc Tam Kỳ), để đi đến hiện trường phải mất hơn 200km, trong đó 1 nửa quãng đường là đường núi hiểm trở và nhiều điểm sạt lở. 200km nhưng phải mất 7 giờ đồng hồ đi bằng ô tô.

Đến 23 giờ ngày 13-9, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo xử lý vụ việc. Theo ông Toàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Quảng Nam báo cáo vụ việc vào sáng 14-9.

Ông Ngô Việt Hải, Tổng Giám đốc công ty Phát điện 2 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam), chủ đầu tư thủy điện Sông Bung 2 cho biết, đập thủy điện này chính thức tích nước từ ngày 3-9 và 10 ngày sau khi tích nước là gặp sự cố. Sự cố này là sự cố bục nước qua hầm dẫn dòng nằm ở đáy thân đập, vừa được bịt kín để tích nước. Do những ngày qua, lượng nước lũ về hồ quá lớn, đến 560m³/s.

Hồ thủy điện Sông Bung 2 cạn kiệt nước sau sự cố. Bên dưới là cửa van cống dẫn dòng đã bị cuốn mất một cửa chắn.

Vào lúc 16 giờ 25 giờ ngày 13-9, tại hạ lưu khu vực hầm dẫn dòng, nhà thầu HYCO4 cùng Ban Quản lý dự án (QLDA) và các đơn vị tư vấn đang tổ chức đắp đê quai hạ lưu và bơm thoát nước để đổ bê tông nút hầm dẫn dòng thì phát hiện tình trạng nước chảy vào hầm dẫn dòng với lưu lượng khá lớn và chảy về phía hạ lưu gây ngập. Sự cố xảy ra làm thiệt hại một số thiết bị thi công và mất tích 2 công nhân vận hành máy đào của nhà thầu HYCO4

Theo ông Ngô Việt Hải, khi xảy ra sự cố, mực nước hồ thủy điện mới 572m (tương đương 28 triệu m³), thấp hơn mực nước dâng bình thường là 33m. Đến rạng sáng 14-9, lượng nước thất thoát do bục qua đường cống dẫn dòng là khoảng 14 triệu m³.

Ông Ngô Việt Hải cho biết thêm, khi thi công thân đập, các đơn vị thi công phải xây dựng cống dẫn dòng rộng 12m, cao 14m và dài 400m. Ngày 3-9, các đơn vị cho đóng cửa van bằng 2 tấm thép, mỗi tấm nặng 125 tấn. Sau khi tích nước, đơn vị thi công sẽ cho làm sạch bùn đất bên trong đường hầm để đổ bê tông bịt kín. Tuy nhiên, trong quá trình dọn dẹp cống dẫn dòng thì sự cố xảy ra. Hiện nay, nước lũ vẫn dâng cao, toàn bộ cống dẫn dòng còn chìm dưới nước nên chưa thể xác định được nguyên nhân của sự cố. Trong những ngày tới, các đơn vị sẽ cho máy móc thiết bị vào đánh giá địa hình, tìm hiểu nguyên nhân để đưa ra các giải pháp khắc phục.

Ông Ngô Việt Hải khẳng định, đây là sự cố xảy ra tại cống dẫn dòng còn thân đập vẫn hoàn toàn bình thường. Sự cố xảy ra tại thủy điện Sông Bung 2 không gây mất an toàn cho hệ thống thủy điện bậc thang bên dưới.

Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi sự cố xảy ra, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo UBND huyện Nam Giang và các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp khắc phục sự cố, ứng phó, tìm kiếm cứu nạn.

Trao đổi với PV SGGPO, Trung tá Phạm Hồng Hải, Phó Chỉ huy trưởng Huyện đội Nam Giang cho biết, đơn vị huy động lực lượng đến hiện trường để tham gia khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn. Huyện đội Nam Giang cử lực lượng túc trực tại các cây cầu, dọc bờ sông để cứu hộ, cứu nạn nếu có.

Thiệt hại trong sự cố bục cống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2

Tính đến 6 giờ ngày 14-9, có 13 người mất liên lạc sau sự cố bục nước cống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2, trong đó xã Chơ Chun có 2 người làm vàng thuộc thôn Pơ Lăng; xã La Êê có 10 người trồng rừng thuộc dự án thủy điện Sông Bung 2; xã Zuôihcos 1 người lao động tự do thuộc thôn Công Dồn.

Về tài sản, có 3 nhà trôi tại xã La Êê, 5 xe tải loại 15 tấn, 2 ô tô 7 chỗ, 1 cần cầu 25 tấn, 2 xe máy đào, 1 xe máy ủi bị cuốn trôi.

Nguồn SGGP