Bức tranh kinh tế châu Á năm 2019

Hoạt động sản xuất suy yếu ở khắp châu Á vào tháng 12-2018 do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và mức tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc khiến cho nhiều dự báo kinh tế của châu lục này vào năm 2019 khá ảm đạm. Tuy nhiên, vẫn có nhiều điểm sáng tích cực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam ổn định (trong ảnh: một góc đô thị TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam ổn định (trong ảnh: một góc đô thị TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Lo ngại từ kinh tế Trung Quốc

Theo báo cáo kinh tế tháng 12-2018, phát hành vào ngày 2-1-2019, khuynh hướng suy giảm hoặc tăng trưởng chậm lại trong hoạt động sản xuất tiếp tục diễn ra trên toàn khu vực châu Á. Tại Trung Quốc, chỉ số quản lý người mua (PMI Caixin – chỉ số đo lường tăng trưởng kinh tế) sụt giảm lần đầu tiên trong 19 tháng, xuống mức 49,7 so với 50,2 trong tháng 12. PMI Caixin xuống dưới mức 50 là dấu hiệu giảm phát. Malaysia cũng thu hẹp hoạt động sản xuất nhiều nhất kể từ khi được khảo sát vào năm 2012; kinh tế Đài Loan xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9-2015. Trong khi đó, dữ liệu kinh tế chính thức của Singapore cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng chậm hơn dự báo trong quý 4-2018.

Theo tờ Economic Times (Ấn Độ), ông Irene Cheung, chiến lược gia châu Á tại ngân hàng ANZ cho biết: “Chúng ta sẽ chứng kiến sự suy giảm kinh tế toàn cầu trong năm 2019 và nhất là ở châu Á, các quốc gia, đặc biệt là những nước xuất khẩu đang bị tổn thương”. Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý ngừng cuộc chiến thương mại trong 90 ngày vào tháng 12-2018,  đồng thời cam kết sẽ có cuộc hội đàm thường xuyên trong 2 tháng tới, nhưng không chắc chắn về việc họ có thể vượt qua sự khác biệt lớn hay không.

Thuế quan không phải là lực cản duy nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc. Động lực chính là nước này phải giảm nợ công. Trong khi đó, do việc kiểm soát chặt chẽ tình trạng ô nhiễm nên hoạt động công nghiệp của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại, chỉ đạt 6,5% trong quý 3-2018, thấp nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Theo khảo sát kinh tế mới nhất do Nikkei tiến hành, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ chậm lại còn 6,2% vào năm 2019.

Điểm sáng

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự đoán mức tăng trưởng của GDP trong 5 năm từ 2019-2023 cho ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ là 6,1%. OECD đánh giá triển vọng của các nền kinh tế thành viên và không phải thành viên OECD vẫn rất sáng lạng.

Theo báo cáo của OECD, ASEAN sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng 5,2% trong vài năm, trong khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại, khoảng 5,9%. Mặt khác, Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng lên 7,3% so với mức trung bình 6,9% từ năm 2012 đến 2016.  Nhưng chính các thị trường ASEAN mới nổi sẽ tăng trưởng nhanh nhất. Campuchia, Lào và Myanmar sẽ có mức tăng trưởng từ 6,8% đến 6,9%, với Philippines là 6,6% và Việt Nam là 6,5%. Indonesia (5,2%), Malaysia (4,8%) và Thái Lan (4,1%). Theo OECD, tiêu dùng tư nhân là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng ở hầu hết các nước ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ. Đầu tư hướng nội, các dự án cơ sở hạ tầng và xuất khẩu đều tạo ra việc làm. Thất nghiệp thấp có nghĩa là nhiều người kiếm được tiền hơn, đặc biệt là trong trường hợp những người chuyển từ nông thôn đến thành phố, nơi lương cao gấp hai đến ba lần. Theo OECD, bất chấp cuộc chiến tranh thương mại, triển vọng tốt cho các nước châu Á vì sức mạnh của nhu cầu nội địa và niềm tin ngày càng tăng.

Một số nền kinh tế mới nổi có thể cần tiếp tục tăng lãi suất để giữ cho nền kinh tế ổn định vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ tăng lãi suất thêm nữa. Việc siết chặt vốn của FED có xu hướng kéo vốn từ các thị trường mới nổi vào Mỹ và điều đó có thể hạ nhiệt tiêu dùng và đầu tư ở các nước, nhất là tại châu Á. Một yếu tố tích cực sẽ là giá dầu thấp hơn, đạt đỉnh vào cuối năm 2018. Vì nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng trong nước, giá dầu thấp hơn có thể giúp lạm phát vừa phải và tăng chi tiêu của người tiêu dùng.

Nguồn SGGP