Bức tranh kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long từ góc nhìn đầu tư nước ngoài
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua vẫn rất thấp, thậm chí chưa bằng một nửa các thành phố trực thuộc T.Ư như Đà Nẵng, Hải Phòng. Nếu nhìn từ góc độ thu hút FDI thì bức tranh kinh tế của vùng lại là một gam mầu hoàn toàn khác so với những con số “đẹp” trên các báo cáo, diễn đàn về tăng trưởng kinh tế theo từng năm.
Đây là vấn đề mà nhiều tỉnh, thành trong khu vực hết sức quan tâm tại Diễn đàn MDEC Vĩnh Long 2013.
“Bắt bệnh”…
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được mệnh danh là “vựa” lúa, cá và trái cây của cả nước. Cái niềm tự hào ấy càng được minh chứng qua các số liệu của những sấp báo cáo dày cộm, chi chít những con số “đẹp” được lập đi lập lại tại các diễn đàn kinh tế trong vùng. Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong những năm qua, tình hình kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL có bước phát triển đáng kể. Năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 9,98%, sản lượng lúa đạt hơn 24 triệu tấn; xuất khẩu đạt 10 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 32 triệu đồng/người/năm; giải quyết việc làm cho hơn 394 nghìn lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,2%, hộ cận nghèo còn 6,5%. Năm 2013, tốc độ tăng trưởng ước đạt khoảng 10%. Tính từ lần MDEC đầu tiên được tổ chức vào năm 2007 đến nay, toàn vùng đã thu hút được khoảng 635 dự án đăng ký đầu tư, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho khoảng 554 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư gần 300 nghìn tỷ đồng, và 81 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn năm tỷ USD. Và trong năm 2013 này, đặc biệt là tại MDEC Vĩnh Long đã tiếp tục kêu gọi 138 dự án đầu tư vào ĐBSCL, với số tiền gần 416 nghìn tỷ đồng và gần hai tỷ USD.
“Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng chất lượng hiệu quả đầu tư vẫn còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Khả năng tiếp cận với tiến bộ khoa học – kỹ thuật còn yếu, lực lượng lao động dồi dào, nhưng tỷ lệ chưa qua đào tạo còn cao, thiếu nguồn lao động có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao. Tình trạng phổ biến hiện nay ở ĐBSCL là những dự án đã có chủ trương đầu tư, kể cả dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng nhà đầu tư không thể triển khai hoặc chậm triển khai”- ông Nguyễn Phong Quang cho biết.
Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ thu hút FDI thì bức tranh kinh tế của đồng bằng lại là một gam mầu hoàn toàn khác. Việc thu hút FDI của ĐBSCL thời gian qua quá thấp, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Theo TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ, năm 2012, toàn vùng ĐBSCL chỉ thu hút được 538 triệu USD từ nguồn vốn đăng ký đầu tư nước ngoài, chiếm 7,4% so với tổng FDI cả nước, chưa bằng một nửa TP Đà Nẵng hay Hải Phòng, cũng là những thành phố trực thuộc T.Ư như TP Cần Thơ. Còn theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2012, Việt Nam thu hút được 13,013 tỷ USD vốn FDI, thì chỉ có 87,8 triệu USD đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 0,6% tổng vốn FDI của năm. Những trở ngại chính trong thu hút đầu tư thường được nhắc đến là cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, TS Võ Hùng Dũng cho rằng, cơ cấu kinh tế của vùng lại là một trong những nguyên nhân không kém phần quan trọng. Cấu trúc kinh tế của ĐBSCL “nghiêng” về nông nghiệp. Điều này thật sự rất khó thu hút đầu tư nước ngoài.
“Một số quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, mối quan tâm của họ không phải là đầu tư vào nông nghiệp để tạo ra những đối thủ mới cho chính quốc gia của họ trong tương lai. Một số quốc gia muốn đầu tư vào nông nghiệp để giải quyết bài toán nguyên liệu thì chính sách của Việt Nam lại không khuyến khích” – ông Dũng phân tích.
Còn theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, công tác quảng bá hình ảnh ĐBSCL thời gian qua chưa thật sự tích cực, chưa có một chiến lược hay quy hoạch thu hút FDI nào cho vùng, đã tạo sự lúng túng, thiếu liên kết giữa các địa phương.
“Bốc thuốc”…
FDI chỉ tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm, vùng sâu vùng xa không có bất kỳ dự án nào.
Theo kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), các doanh nghiệp FDI đang làm ăn ở Việt Nam chưa phải là những nhà đầu tư tiềm năng tương lai, mà chỉ là những doanh nghiệp nhỏ so với thị trường thế giới. Điều tra cũng cho thấy, trong tổng số đó có 67% hoạt động trong những ngành có giá trị thấp, chỉ có 13,5% được coi là hoạt động trong lĩnh vực có đầu tư công nghệ cao. Doanh nghiệp FDI cũng ít chọn doanh nghiệp Việt Nam làm thầu phụ. Có đến 54% hàng hóa, dịch vụ trung gian mua ngoài Việt Nam. “Với cấu trúc đó, ĐBSCL thật sự không hấp dẫn được họ” – ông Dũng nhấn mạnh. Trong số các yếu tố tác động mạnh nhất đến quyết định lựa chọn quốc gia đầu tư của doanh nghiệp FDI, thì hai yếu tố về chi phí lao động và chất lượng nguồn lao động có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhưng đây là điểm yếu và rất yếu của ĐBSCL. Còn các yếu tố khác như: quy mô thị trường, sức mua, chi phí nguồn nguyên liệu và dịch vụ trung gian, cơ sở hạ tầng, cấu trúc nền kinh tế… lại là những điểm yếu, kém hấp dẫn ở khu vực này.
Cho đến nay, FDI chưa phải là thành phần chính trong cơ cấu đầu tư ở ĐBSCL. Để thu hút FDI trong tương lai, các chuyên gia cho rằng, ĐBSCL phải có những giải pháp hữu hiệu, giải quyết bài toán nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Sự tiên phong về tư duy phát triển, gắn kết được quá trình liên kết chuỗi giá trị kinh tế sẽ là khâu đột phá để ĐBSCL trở thành một cực thu hút đầu tư và tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc tăng cường thu hút FDI vào nông nghiệp đặt ra yêu cầu đột phá về cơ chế, chính sách mới. Dòng vốn FDI chỉ thật sự phát huy tác dụng khi nội tại ngành nông nghiệp và khu vực nông thôn đủ sức hấp thụ vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nguồn Nhân dân
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.