Giấm (còn gọi là bụp giấm, cẩm thanh) là cây thân thảo mọc hoang dại mọc nhiều nơi ở miền Tây. Cây cao khoảng 1,5 đến 2m, ra hoa từ tháng 7 đến tháng 10, hoa màu vàng, hồng hay tím. Trái hình trứng (tương tự củ hành tím), vỏ có lông tơ mịn, màu đỏ thẫm gồm nhiều mảnh bao quanh túi hạt. Hạt già khô, túi hạt nứt ra theo gió bay đi khắp nơi và phát triển. Những mảnh vỏ trái màu đỏ, có vị chua tưởng như rất bình thường, nhưng thực ra đây là một nguyên liệu quí có giá trị cao trong y học cũng như trong ẩm thực.
Theo kinh nghiệm dân gian, lá hoặc vỏ trái giấm có vị chua hơi ngọt, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giải khát… dùng chữa các bệnh viêm họng, ho,…
Còn con cá dảnh là loài cá nước ngọt có ở Đồng bằng sông Cửu Long và có nhiều trong mùa nước nổi. Khi vào vụ (tháng 9 – 10 âm lịch) cư dân nơi đây dùng lưới, đăng, vó v.v… để đánh bắt. Cá dảnh dạng hình thoi, dẹp, đầu nhọn hơn cá mè vinh, vảy nhỏ màu bạc lấp lánh. Đuôi, vây, kỳ phơn phớt hồng. Tuy hơi nhiều xương nhưng thịt cá dảnh béo, ngọt, thơm, ngon nên được các bà nội trợ miền Tây ưa chuộng trong việc chế biến các món ăn như: chiên tươi, muối chiên, kho tương, kho ngót, nấu canh chua v.v… Nhưng món ăn gây ấn tượng trong tôi nhất phải là: Cá dảnh kho trái giấm.
Nhắc đến con ca dảnh, ký ức trong tôi còn nhớ như in khi vào mùa nước nổi về, sáng sớm ba thường vác chài ra sông đánh cá, tôi lẽo đẽo xách thùng đựng cá theo sau. Chỉ một loáng ba quăng chài là trong thùng đầy những cá như: cá he, cá mè vinh, cá lăng, v.v.. Trong đó nhiều nhất là cá dảnh. Khi cá đánh bắt được mang về nhà, má tôi sai tôi ra vườn tìm những nguyên liệu có sẵn như: cà chua, rau thơm, và một thứ không thể thiếu, đó là trái giấm. Sau đó, tôi phụ giúp má một tay chuẩn bị bữa ăn như: cà chua rửa sạch xắt múi cau, rau thơm lặt bỏ những lá già, trái giấm (để nguyên trái) rửa sạch. Còn má thì mang rổ cá dảnh ra bờ mương làm sạch. Nhìn những con cá dảnh màu trắng bạc mập ú (tương tự như cá mè vinh) vừa làm xong bên mình cá có những vệt dao khứa khít (tránh khi ăn bị hóc xương) trông thật hấp dẫn làm sao!.
Để chế biến món nầy, trước hết, má phi đầu hành thơm, đổ nước vừa đủ vào bồi nấu sôi. Nêm nếm gia vị (nước mắm + bột ngọt) cho vừa ăn, thả cá dảnh (đã sơ chế) vào nồi nấu vừa chín tới (nhớ đừng chín quá, thịt mềm mất ngon!). Kế đến, má cho cà chua, trái giấm vào, chờ các nguyên liêu trên mềm, mới cho rau cần xắt khúc cùng hành lá vào. Khi nồi cá vừa sôi trở lại, nêm nếm gia vị lần cuối, nhắc xuống, múc ra tô. Cuối cùng, má chuẩn bị chén nước mắm ngon nguyên chất, trong đó có vài trái ớt hiểm chín, dọn tất cả lên bàn là xong!.
Còn gì thú vị bằng trong những ngày hè được thưởng thức tô cá dảnh kho trái giấm nóng hổi thơm lừng!. Dùng đũa giẽ miếng thịt cá dảnh kẹp cùng miếng cà chua chấm vào chén nước mắm đưa lên miệng nhai chậm rãi… Vị ngọt, mềm, béo của thịt cá (nhất là mỡ và ruột nơi bụng cá), chua nhẹ của cà thấm đẫm khắp giác quan. Chan một miếng nước cá kho có màu hồng nhạt vào chén cơm “lùa” một hơi, sẽ cảm nhận được hương vị chua thanh, ngòn ngọt, và mùi thơm thoảng đặc trưng của loại trái dân dã nơi đây!
Dân Việt
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.