Ca khúc không vi phạm được quyền phổ biến
Sẽ không còn khái niệm bài hát trước hay sau năm 1975 nữa. Tác phẩm không vi phạm pháp luật đều đáng được đến với công chúng
Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) dự kiến sẽ soạn thảo một nghị định mới quy định về biểu diễn nghệ thuật với nhiều thay đổi làm thông thoáng hơn hoạt động biểu diễn hiện nay. Quan điểm này vừa được người đứng đầu Cục Nghệ thuật Biểu diễn bày tỏ với báo chí, nhận được những phản hồi tích cực từ công luận.
Không nên khắc sâu ranh giới quá khứ
Theo đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn, hiện có 2 nghị định điều chỉnh hoạt động biểu diễn là Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định 15/2016/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP. Tuy nhiên, 2 nghị định này vẫn còn nhiều hạn chế, mới chỉ quy định về thủ tục cấp phép, kinh doanh biểu diễn, mà 2 vấn đề này chỉ là một mảng nhỏ của hoạt động biểu diễn hiện nay. Chính vì vậy, Bộ VH-TT-DL đang xin Chính phủ chủ trương xây dựng nghị định mới về quản lý biểu diễn.
Dự kiến, Bộ VH-TT-DL sẽ đưa vào dự thảo nghị định này các quy định về chính sách phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn, trong đó có nội dung quan trọng được rất nhiều người quan tâm là thay đổi cách cấp phép tổ chức biểu diễn.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, vấn đề cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975 và tác phẩm của người Việt định cư tại nước ngoài gây bức xúc dư luận thời gian qua. Ông Vinh cho rằng đã là người Việt Nam thì không nên khắc sâu ranh giới quá khứ, vì vậy sẽ không còn khái niệm bài hát trước hay sau năm 1975 nữa. Tác phẩm không đi ngược với pháp luật, kể cả giai điệu, ca từ thì đáng được đến với công chúng.
“Thay vào đó, chúng tôi dự kiến đưa ra các tiêu chí cấm đối với ca khúc, có nghĩa là bất kể bài hát nào, không xét thời gian sáng tác mà phạm vào các quy định cấm sẽ không được biểu diễn. Ví dụ quy định các sản phẩm có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ tổ chức, cá nhân, đi ngược lại lợi ích quần chúng sẽ không được sử dụng dưới mọi hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc nơi công cộng…” – ông Vinh cho hay.
Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết thêm khi đưa quy định này lấy ý kiến của các cơ quan quản lý địa phương, doanh nghiệp kinh doanh văn hóa, phần đông đều đồng ý. Chỉ có một tỉ lệ nhỏ cho rằng nên cân nhắc vì lo ngại lỡ xảy ra vấn đề xấu nếu không được cấp phép, kiểm duyệt. Theo ông Vinh, quy định mới phù hợp hơn với thực tế vì như vậy người dân và doanh nghiệp không cần phụ thuộc việc chờ xin – cho, ngược lại được quyền tự lựa chọn.
Đánh giá về thay đổi này, nhà lý luận phê bình – nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho rằng lẽ ra điều này phải áp dụng từ lâu. “Tôi cho rằng việc đó thể hiện đúng đắn đường lối chính sách của Đảng và nhà nước, phù hợp với điều kiện hiện tại của đất nước. Tại sao chúng ta cứ vẫn còn phân biệt ca khúc trước năm 1975 hay nghệ sĩ hải ngoại?”. Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, việc Bộ VH-TT-DL không còn phân biệt ca khúc trước năm 1975 nữa mà thay vào đó là đưa ra các tiêu chí đánh giá nội dung, dù muộn nhưng rất cần thiết. Từ quy định này, cộng đồng nghệ sĩ gốc Việt hoạt động ở hải ngoại sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn đối với công tác quản lý văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam.
Những chương trình nhạc xưa lâu nay đều phải làm hồ sơ xin phép hát ca khúc chưa được cấp phép phổ biến tại Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Trong ảnh: Ca sĩ Ý Lan (ảnh trên) và ca sĩ Phương Dung trong chương trình “Sol Vàng”. (Ảnh do Sol Vàng cung cấp)
Tăng quyền nhưng không được lạm quyền
Một điểm quan trọng nữa sẽ được đưa vào quy định trong nghị định mới là Bộ VH-TT-DL sẽ tăng quyền hạn và trách nhiệm cho các địa phương trong việc quản lý. Tức là các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương sẽ có quyền chủ động cấp hoặc từ chối cho phép ca khúc nào đó được biểu diễn trong một chương trình nào đó phù hợp với không gian, bối cảnh, địa điểm.
Cục trưởng Nguyễn Quang Vinh khẳng định không phải bài hát đã được cấp phép thì hát ở đâu cũng được vì còn phụ thuộc vào tính chất văn hóa của không gian hát. Bộ VH-TT-DL muốn tăng quyền cho địa phương để tự quyết việc này.
Giới chuyên môn đánh giá quy định mới của Bộ VH-TT-DL là một bước tiến mới trong tư duy của nhà quản lý. Tuy nhiên, cũng không ít chuyên gia cho rằng giao quyền cho các địa phương là điều vừa mừng vừa lo. Cái lo ở đây là việc giao quyền cho địa phương có thể dẫn đến tình trạng “phép vua thua lệ làng”. Có thể ca khúc được biểu diễn ở tỉnh A nhưng đến tỉnh B thì không được cấp phép biểu diễn vì “không phù hợp”, gây khó khăn cho hoạt động biểu diễn ở các địa phương vì mỗi sở VH-TT-DL sẽ là một “ông lớn” trong việc cấp phép biểu diễn.
Ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng có những bài hát phù hợp trong bối cảnh này nhưng không phù hợp và không được cấp phép biểu diễn ở chương trình kia, đó là chuyện bình thường. “Chúng tôi đã tính đến điều này nhưng vì tính chất văn hóa vùng miền nên mình phải tôn trọng, kể cả không gian, thời gian biểu diễn cũng phải được chú ý.
Có thể có những tiêu cực xảy ra, chúng ta không bao giờ khẳng định hết sạch rủi ro. Cũng có thể có nơi nào đó gây khó dễ, việc này chúng ta có thể xử lý được. Nghị định không nên hướng tới một hành vi tiêu cực có thể xảy ra mà nên hướng tới những cái mang tầm phổ quát” – ông Vinh nói.
“Cũng cần nhấn mạnh là bên cạnh các tiêu chí phù hợp/không phù hợp, rất cần một chế tài xử phạt đủ mạnh để răn đe. Thậm chí, nếu tổ chức, cá nhân nào vi phạm ở mức độ được cho là có ảnh hưởng tới chính trị thì sẽ chịu trách nhiệm hình sự. Tóm lại, một mặt cởi mở, một mặt hết sức nghiêm khắc trong các quy định để đạt được hiệu quả như mong muốn” – nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP HCM: Cần có các tiêu chí cụ thể
Sở VH-TT TP HCM ủng hộ nội dung sẽ không còn khái niệm cấp phép cho bài hát trước hay sau năm 1975 nữa mà chỉ là cấp phép lưu hành cho các tác phẩm âm nhạc không vi phạm các tiêu chí đề ra. Chúng ta nên xem xét việc xây dựng các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, đúng quy định pháp luật đối với quy định cấp phép cho tác phẩm âm nhạc khi biểu diễn trên các phương tiện thông tin đại chúng và nơi công cộng trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Việc này cần được bàn thảo kỹ lưỡng và lấy ý kiến rộng rãi. T.Trang ghi
Nhạc sĩ Lê Quang: Vui nhưng lại lo mỗi nơi quyết một kiểu
Về dự thảo nghị định quản lý nghệ thuật biểu diễn mới đang thu hút công luận hiện nay, tôi thấy vui vì ngay cả cá nhân, chủ sở hữu một tác phẩm cũng có thể chủ động phổ biến ca khúc của mình. Đây là việc cần phải làm từ lâu bởi nó thể hiện rõ quyền hạn của chủ sở hữu tác phẩm. Người phổ biến cũng chính là người chịu trách nhiệm với tác phẩm của họ. Đó là một quy định (nếu chính thức được thừa nhận) văn minh. Thế nhưng, ở vị thế người tổ chức biểu diễn, chúng tôi lại có chút băn khoăn vì quy định mới giao quyền cấp phép về cho địa phương – liệu có tạo nên tình trạng hỗn loạn, “nơi cho phép, nơi cấm”. Tình trạng “phép vua thua lệ làng” không phải xa lạ. Chính bản thân tôi đã từng ngậm trái đắng khi một ca khúc được các nơi cấp phép biểu diễn nhưng ra tới Nha Trang thì bị cấm diễn vì lý do “không phù hợp”. Nếu giao quyền cho địa phương thì liệu tất cả các nơi đều trở thành “ông lớn” trong việc cấm hoặc cho phép một tác phẩm biểu diễn. Điều đó sẽ gây khó dễ cho những người làm công tác tổ chức biểu diễn. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng yếu tố này.
Ông Huỳnh Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP Đà Nẵng: Phân cấp cho địa phương sẽ sát thực tế hơn
Việc giao quyền hạn và trách nhiệm thẩm định cấp phép biểu diễn cho địa phương là hoàn toàn nên thực hiện. Nếu quy định này được đưa vào thực hiện sẽ giúp cho việc cấp phép biểu diễn lâu nay được sát thực tế, cụ thể hơn trước. Đối với Đà Nẵng, nếu chủ trương này được thực hiện thì tôi nghĩ sẽ không gặp khó khăn gì.
Trước nay, việc cấp phép biểu diễn theo nghị định của Chính phủ là do Cục Nghệ thuật Biểu diễn thực hiện. Nếu việc này được phân cấp cho địa phương thì các sở VH-TT sẽ dựa trên những quy định cấp phép theo khung đã có sẵn để thực hiện. Những tác phẩm nào được phép lưu hành, lưu hành ở chương trình nào hay trang phục nào được phép… đều đã có khung sẵn. Các địa phương chỉ dựa vào đó để cấp phép thôi.
Một số tỉnh, thành lớn – trong đó có Đà Nẵng – đều có thêm phòng chuyên môn là phòng Quản lý văn hóa thuộc Sở VH-TT. Lâu nay, phòng Quản lý văn hóa của Sở VH-TT TP Đà Nẵng có các chuyên viên có chuyên môn sâu về lĩnh vực cấp phép biểu diễn. Theo tôi, những, tỉnh, thành nào có phòng chức năng này thì việc thực hiện cấp phép biểu diễn sẽ rất dễ dàng.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.