Ca nhiễm virus corona thứ 13, Việt Nam tăng cường giám sát các nguồn bệnh
Trong ngày 7-2, Việt Nam có thêm 1 ca nhiễm virus corona, nâng tổng số ca mắc lên 13 trường hợp. Các địa phương sẵn sàng ứng phó để tiếp nhận công dân trở về từ các vùng dịch
Giám sát chặt các ca nhiễm
Bệnh nhân N.T.N là 1 trong 3 người còn lại không có biểu hiện bệnh, không sốt, không ho và cũng đã được cách ly tại cơ sở y tế từ trước. Ngày 3-2, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm xác định nCoV, mặc dù bệnh nhân N. không có biểu hiện triệu chứng gì. Hiện tại, trường hợp này được cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo và trong tình trạng khỏe mạnh, không có biểu hiện sốt hoặc ho.
Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam đã có 13 người bị nhiễm nCoV, riêng tỉnh Vĩnh Phúc có 8 trường hợp. Trong số này, Việt Nam đã điều trị khỏi bệnh cho 3 người và đã xuất viện. Các trường hợp còn lại, tình hình sức khỏe cũng đang tiến triển khả quan.
Lễ trao lô hàng sinh phẩm viện trợ đầu tiên của JICA cho Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương Ảnh: Dương Ngọc
Trước đó, chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch bệnh nCoV đã họp triển khai công tác phòng chống dịch. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện ở Việt Nam chưa có người tử vong vì dịch bệnh do nCoV gây ra, chưa có ai bị lây nhiễm chéo. Ông Long khẳng định ngành y tế Việt Nam đủ năng lực để phòng chống dịch bệnh này và đang tính đến việc tổ chức điều trị cho người bị mắc bệnh này ngay tại tuyến huyện.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại tỉnh Vĩnh Phúc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đã cử đoàn công tác đi kiểm tra việc cách ly, điều trị người nhiễm và kiểm soát nhiễm khuẩn tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, thăm hỏi động viên người bệnh. Đội cơ động phòng chống nCoV (Bệnh viện Bạch Mai) cũng đã được cử đến hỗ trợ, tư vấn cho Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên phòng chống nCoV.
Sẵn sàng tiếp nhận, cách ly
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã ban hành văn bản thực hiện các biện pháp giám sát, cách ly để phòng chống dịch nCoV. Đối với người nhập cảnh đến hoặc đi từ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) phải được coi như trường hợp mắc bệnh và tiến hành khoanh vùng cách ly.
Theo kế hoạch, tỉnh Bình Định được phân công tiếp nhận, cách ly và theo dõi đối với 1.260 công dân Việt Nam từ Trung Quốc và các nước có dịch nCoV về nước tại sân bay Phù Cát, nếu đi đường biển sẽ chuyển về cảng Quy Nhơn. Hiện UBND tỉnh Bình Định đã bố trí cách ly 460 công dân tại Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh tỉnh Bình Định (ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát) và 800 công dân còn lại sẽ bố trí tại Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 2 (ở xã Bình Thành, huyện Tây Sơn) để cách ly, theo dõi.
Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Trị cũng đã sẵn sàng tiếp nhận 274 công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về địa phương để cách ly, theo dõi. Sư đoàn 968 sẽ tiếp nhận 150 công dân, số còn lại do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị tiếp nhận.
Cũng trong ngày 7-2, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch nCoV. Tính đến ngày 7-2, Nghệ An triển khai cách ly và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nCoV tổng cộng 13 trường hợp. Tại Hà Tĩnh, đội cơ động phòng chống dịch ở cảng Vũng Áng – Sơn Dương phối hợp với các lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ tàu và các thuyền viên cập cảng. Tính từ ngày 23-1 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, giám sát và đo thân nhiệt cho 691 thuyền viên của 38 tàu cập cảng Vũng Áng – Sơn Dương.
Cách ly ngay khi nghi nhiễm
Trao đổi với phóng viên ngày 7-2, lãnh đạo Trung tâm Cúm quốc gia – Viện Pasteur TP HCM cho biết trung tâm đang huy động toàn bộ nhân lực, vật lực cho công tác phòng chống dịch nCoV.
Đây là một trong 3 đơn vị trong cả nước thực hiện việc xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm liên quan đến dịch nCoV. Nơi đây đã chuẩn bị tất cả phương án về nhân sự và máy móc để ứng phó trong trường hợp dịch gia tăng tại khu vực phía Nam. Người dân thuộc khu vực miền Nam khi có dấu hiệu nghi nhiễm virus corona sẽ được cách ly ngay. Các nhân viên tại trung tâm được chia thành 4 nhóm, ứng trực 24/24 giờ mỗi ngày để nhận bệnh phẩm và xét nghiệm. PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, khẳng định: “Vấn đề an toàn, an ninh sinh học luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu, thực hiện nghiêm ngặt để ngăn chặn tất cả mầm bệnh lây lan ra bên ngoài”.
Trong khi đó, Sở Y tế TP HCM vừa có văn bản trình UBND TP và Sở Tài chính về nhu cầu khẩn cấp của ngành y tế TP trong phòng chống dịch nCoV. Theo đó, Sở Y tế TP đề xuất cấp kinh phí gần 200 tỉ đồng, trong đó dự kiến phân bổ 132 tỉ đồng cho khối điều trị và 62,3 tỉ đồng cho khối dự phòng.
Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (CDC), Sở Y tế yêu cầu tiếp tục giám sát chặt chẽ người tiếp xúc và người nhập cảnh từ vùng dịch, chuyển danh sách người nhập cảnh về các quận, huyện để tổ chức giám sát, theo dõi, cách ly, điều trị.
Nhật Bản hỗ trợ sinh phẩm cho Việt Nam
Ngày 7-2, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã trao lô hàng sinh phẩm viện trợ đầu tiên (tương đương khoảng 2,3 triệu yen) tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với dịch nCoV. Đây là lô hàng đầu tiên trong lô hàng gồm nhiều loại sinh phẩm trị giá khoảng 14 triệu yen để thực hiện các xét nghiệm phát hiện nhanh và chính xác loại virus mới này.
Giám sát 67 hành khách trên chuyến bay OZ731
Cùng ngày, Sở Y tế TP đã có thông tin vụ việc liên quan đến 67 hành khách trên chuyến bay OZ731. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế (KDYTQT) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, vào lúc 23 giờ 10 phút ngày 4-2 , tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có 67 hành khách trên chuyến bay của Hãng Asian Airlines từ Seoul (Hàn Quốc) đến Tân Sơn Nhất. Trong đó, số hành khách được nhập cảnh là 64 người (62 người quốc tịch Trung Quốc có thị thực đến Việt Nam lao động, đầu tư và 2 người quốc tịch Việt Nam; 3 hành khách người Trung Quốc còn lại đến Việt Nam du lịch nên không được nhập cảnh). Công an cửa khẩu tại sân bay đã phối hợp với Trung tâm KDYTQT phân luồng hướng dẫn 64 hành khách vào khu vực cách ly riêng, thực hiện thủ tục khai báo y tế theo quy định, đo thân nhiệt, khám lâm sàng và điều tra yếu tố dịch tễ các hành khách. Sau khi thực hiện kiểm dịch y tế, Trung tâm KDYTQT không phát hiện hành khách nào có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh.
Công an cửa khẩu đã kiểm tra giấy tờ, hộ chiếu, qua đó không ghi nhận có hành khách đến từ tỉnh Hồ Bắc – Trung Quốc. Công an cửa khẩu đã giải quyết cho 64 hành khách nhập cảnh. Trung tâm KDYTQT cũng đã khuyến cáo kỹ các hành khách tự cách ly trong vòng 14 ngày tại nơi lưu trú dưới sự giám sát của y tế và chính quyền địa phương để đề phòng lây nhiễm virus corona; đồng thời thực hiện giám sát các hành khách được nhập cảnh.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.