Cả nước có gần 2.000 trẻ em bị bạo lực hoặc xâm hại mỗi năm

(THTG) Ngày 6/8, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về trẻ em tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em và đề ra các giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì tại điểm cầu chính. Hội nghị có 675 điểm cầu ở cấp huyện, xã – cấp cơ sở có vai trò quan trọng trong việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, với sự tham gia của khoảng 18.000 đại biểu.

vlcsnap-2018-08-06-14h33m59s784

vlcsnap-2018-08-06-14h35m39s454 

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến về công tác bảo vệ trẻ em tại điểm cầu Tiền Giang. Ảnh: Bùi Phong

Tại điểm cầu Tiền Giang, tham dự hội nghị trực tuyến có ông Trần Thanh Đức – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.

Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó có 60% trẻ em bị xâm hại tình dục. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại trẻ em, đáng chú ý là có 21,3% trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình, 59,9% là người quen và hàng xóm, 12,6% là do người lạ…  Cùng với đó có hơn 68% trẻ em từ 1 – 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình. Trong năm 2017, cả nước có hơn 1.800 trẻ em tử vong do đuối nước, chiếm khoảng 50% nguyên nhân trong các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích.

vlcsnap-2018-08-06-14h37m47s605

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bùi Phong

Theo các đại biểu dự hội nghị, để thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục, cần có sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội và cộng đồng ở địa phương. Đặc biệt, các đơn vị cần xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý nghiêm các vụ việc xâm hại trẻ em tại địa phương. Song song đó là công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết, phải được chú trọng hơn nữa với đầy đủ trách nhiệm.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cả một hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, nhất là mỗi người dân cần xem đây là nhiệm vụ hàng đầu, hàng ngày trong việc bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục. Đồng thời, bậc cha mẹ cần quan tâm và có biện pháp quản lý, bảo vệ trẻ, nhất là tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha, mẹ các thành viên trong gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc với trẻ em và bản thân trẻ em để phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc gia về trẻ em cần thành lập đoàn giám sát, kiểm tra công tác thực hiện bảo vệ phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại các địa phương cùng một số giải pháp quan trọng cụ thể khác.

Mạnh Cường