Ca trù – môn nghệ thuật độc đáo cần được lưu giữ

 Được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, và mặc dù đã đến gần hơn với cộng đồng, nhưng vẫn cần nhiều hơn những giải pháp để Ca trù- một môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc, tồn tại và tiếp tục phát triển.

Ca trù hay còn gọi là hát ả đào, hát nhà tơ, hát cô đầu, hát nhà trò… là dòng âm nhạc dân gian truyền thống, một sản phẩm của lối hát cửa đình của vùng quê xa xưa, khi đưa vào cung đình dần được bác học hóa, được giới quan lại, nho sĩ và cả các vua chúa rất ưa thích.

Không biết hát ca trù có từ bao giờ, cũng chưa có một tài liệu chính sử nào ghi chép một cách chính xác, nhưng theo một số tư liệu thì từ thế kỉ XI khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, thì hát ca trù đã xuất hiện. Từ thế kỉ XV, hát ca trù bắt đầu được thịnh hành, được coi là một hiện tượng văn hóa hết sức đặc biệt, có tác động mạnh mẽ tới đời sống văn hóa – xã hội người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trước đây, hát ca trù đã từng có cả một hệ thống các bài bản phong phú quy định cho từng lối hát thờ, hát chơi, và hát thi. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, hát ả đào đã bị mai một dần, nhưng sức ảnh hưởng của môn nghệ thuật này đã lan tỏa khá sâu rộng trong văn hóa của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Ca trù – môn nghệ thuật độc đáo cần được lưu giữ


Nghệ thuật ca trù còn được duy trì và phát triển cho đến ngày nay là do sự đóng góp lớn lao của bao thế hệ nghệ sĩ – những cầu nối truyền tải cái hay, độc đáo của hát ca trù đến với người hâm mộ. Theo thống kê tại 15 tỉnh, thành phố ở Việt Nam có Câu lạc bộ Ca trù, làng dân gian hát Ca trù. Trong đó, riêng Hà Nội có tới 22 Câu lạc bộ Ca trù nổi tiếng như: Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, Thái Hà, Văn Miếu, Thăng Long. Ngoài ra còn có các Câu lạc bộ Ca Trù ở một số Trung tâm Văn hóa và Câu lạc bộ gia đình….

Bên cạnh đó, nhiều năm nay, Liên hoan Ca Trù toàn quốc cũng là dịp để toàn thể cộng đồng quan tâm đầu tư hơn nữa đối với Ca Trù. Đây cũng là dịp để tôn vinh các câu lạc bộ Ca Trù, đồng thời khích lệ các nghệ sỹ ca trù trẻ gắn bó với môn nghệ thuật dân tộc, kết nối các giá trị di sản của nghệ thuật Ca Trù với công chúng hiện đại.

Theo nhạc sỹ-nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, Tổng đạo diễn kiêm Cố vấn chuyên môn của Liên hoan Ca trù toàn quốc 2014, nhìn từ Liên hoan Ca trù toàn quốc 2014 có thể thấy, nét đặc biệt trong liên hoan lần này là nghệ thuật Ca trù đã được chuyển giao cho một thế hệ nghệ nhân kế cận và lớp trẻ. Nếu như khi được UNESCO vinh danh, chúng ta chỉ có 20 nghệ nhân trong toàn quốc và không có người biết hát ca trù (ngoài 20 nghệ nhân này) và đến nay, 18 nghệ nhân đã ra đi. Thế nhưng hôm nay chúng ta có một đội ngũ những người biết hát ca trù, lớp nghệ sỹ kế cận và có thể nói Liên hoan lần này là sự thể hiện nghệ thuật ca trù của lớp trẻ và đội ngũ nghệ nhân kế cận.

Nhạc sĩ -nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cho biết thêm: Hiện nay chúng ta đã có một đội ngũ ca trù rất trẻ trung từ 15- 50 tuổi. Nếu chỉ tính đến liên hoan thôi thì đã có trên 100 người, còn nếu tính cả đội ngũ chưa đến liên hoan theo báo cáo của các tỉnh, thành thì chúng ta đã có 200 nghệ nhân. Điều đó cho thấy ca trù đã thoát khỏi tình trạng đang đứng bên bờ vực của sự biến mất, ca trù đã hiện hữu lại trong sinh hoạt đời sống cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu vui những người làm nghề, người tâm huyết với nghệ thuật Ca trù vẫn đang còn nhiều trăn trở. Theo nhạc sĩ -nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan: Hiện nay chúng ta đang có một lớp nghệ sĩ kế cận khá mạnh mẽ, họ có đủ năng lực để trình diễn, giới thiệu nghệ thuật Ca trù đến với cộng đồng, vấn đề đặt ra là chúng ta cần có phương thức tổ chức “đất diễn” cho nghệ sĩ. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ đời sống cho các nghệ nhân đang thực hiện việc bảo tồn, duy trì nghệ thuật Ca trù chúng ta cũng chưa làm được, điều này sẽ cản trở rất nhiều đến việc phục hưng ca trù.

Các nhà quản lý văn hóa cần có sự quan tâm thực sự và có kế hoạch nghiêm túc trong việc bảo tồn, phát huy vốn di sản này trong đời sống cộng đồng; tổ chức được nhiều cuộc liên hoan, nhiều cuộc gặp gỡ và giới thiệu ca trù thì ca trù sẽ đến được với công chúng. Trước tiên, cần thực hiện đúng theo cam kết trong hồ sơ quốc gia là hàng năm tổ chức Liên hoan Ca trù toàn quốc hoặc bộ phận, các vùng, các tỉnh để ca trù xuất hiện liên tục trong đời sống cộng đồng.

Liên hoan Ca trù toàn quốc 2014 diễn ra từ ngày 26-29/8 tại Viện Âm nhạc (CC2-Khu đô thị mới Mỹ Đình, Hà Nội). Chương trình có sự tham dự của 26 đơn vị, câu lạc bộ Ca trù của 12 tỉnh, thành phố có loại hình nghệ thuật này trong cả nước, gồm Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc và Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn ĐCSVN