Các địa phương gồng mình chống hạn, mặn
Đến thời điểm này, theo thống kê sơ bộ, hạn hán và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại khoảng 150.000 tỉ đồng cho các tỉnh ĐBSCL.
Nông dân tại ấp Hai Trong, xã Nam Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang bên ruộng lúa mùa bị lép hạt, thiệt hại trên 90% do nhiễm mặn. Ảnh: TTXVN |
Gồng mình chống hạn hán, xâm nhập mặn
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm nay, do nhiệt độ trung bình ở các tỉnh phía Nam cao hơn trung bình nhiều năm từ 1-1,5oC, lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30-50%, vì vậy, khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ ở mức kỷ lục.
Ngay từ tháng 2, mặn đã duy trì ở mức cao và nghiêm trọng. Trên sông Tiền, sông Hậu, độ mặn là trên 45 phần nghìn, có thể xâm nhập sâu tới 70 km tính từ cửa sông, thậm chí có nơi lên đến 85 km. Độ mặn sẽ tăng cao, kéo dài đến đầu tháng 5. Nếu không có mưa, tình trạng xâm nhập mặn sẽ kéo dài tới tháng 6, thậm chí qua tháng 7.
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam dự báo, nguy cơ xâm nhập mặn không chỉ đe dọa 300.000 ha lúa Đông Xuân, mà còn ảnh hưởng đến các vườn cây ăn trái tại nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL.
Hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra với quy mô lớn đã khiến người dân ở vùng ĐBSCL thiệt hại nặng nề trong trồng trọt, sản xuất… Theo VTV, đến thời điểm này, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại khoảng 150.000 tỉ đồng cho các tỉnh ĐBSCL.
Chẳng hạn, tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 700 ha lúa bị chết vì thiếu nước ngọt, tập trung ở các xã ven biển, cuối nguồn thuộc huyện Gò Công Đông như: Tân Phước, Kiểng Phước, Gia Thuận, thị trấn Vàm Láng, Phước Trung… Ngoài ra, còn có hàng nghìn ha lúa Đông Xuân ở các huyện Gò Công Tây, thị xã Gò Công có nguy cơ giảm năng suất do hạn, mặn.
Còn tại tỉnh Kiên Giang, lãnh đạo tỉnh cho biết, đã có 57.899 ha lúa trên đất nuôi tôm bị ảnh hưởng hạn, mặn, trong đó gần 30.000 ha bị thiệt hại.
Các tuyến kênh rạch lớn ở Kiên Giang như sông Cái Lớn hiện nay đã xâm nhập sâu vào 3-4 km. Một số sông như Rạch Giá-Long Xuyên, Rạch Giá-Hà Tiên, kênh Cái Sắn thì mặn đã xâm nhập sâu.
Các tỉnh khác ở ĐBSCL cũng đang khốn đốn vì mặn xâm nhập: Khoảng 32.000 ha lúa Thu Đông muộn ở Cà Mau và Bạc Liêu bị nhiễm mặn. Tại Bến Tre cũng có khoảng 4.000 ha lúa Đông Xuân bị thiệt hại do hạn, mặn.
Các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Long Phú, Kế Sách của tỉnh Sóc Trăng là những địa phương có diện tích lúa bị nhiễm mặn nhiều nhất, với hàng chục nghìn ha bị ảnh hưởng, trong đó có gần 1.000 ha bị thiệt hại hoàn toàn.
Quyết liệt cứu lúa
Tại hội nghị phòng, chống hạn và xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL do Bộ NN&PTNT tổ chức vừa diễn ra tại TP. Cần Thơ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL là rất nghiêm trọng và hậu quả của nó rất lớn, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, thủy sản, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn vốn cho các tỉnh ĐBSCL chống hạn, xâm nhập mặn, trong đó những nơi cần thiết thì xây dựng ngay trạm cấp nước, khoan giếng… để giải quyết nguồn nước cho dân.
Cùng với Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, xem công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Nhờ tập trung thực hiện khẩn cấp, quyết liệt các giải pháp nêu trên, đến thời điểm hiện nay, gần 30.000 ha lúa Đông Xuân năm 2015-2016 ở khu vực ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng đã cơ bản an toàn.
Để làm được điều đó, Tiền Giang đã chủ động sử dụng nguồn ngân sách hơn 4 tỉ đồng, đầu tư 16 thuyền với 32 máy bơm với công suất mỗi máy 1.000 m3/giờ để bơm nước ngọt bổ cập vùng dự án ngọt hóa Gò Công; mua máy bơm và xây dựng trạm bơm dã chiến chống hạn, cứu lúa.
Còn tại Sóc Trăng, những ngày này, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đang bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn, thường xuyên kiểm tra độ mặn ở các cống, trong hệ thống kênh, rạch để kịp thời hướng dẫn nông dân xử lý mặn cứu lúa, chủ động lấy nước bơm tưới ruộng đồng; đồng thời tích cực chỉ đạo khoanh lại các vùng đã bị ảnh hưởng.
Trong thời gian tới, Sóc Trăng sẽ tiến hành quy hoạch lại cơ cấu sản xuất, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tỉnh Kiên Giang đã kịp thời chỉ đạo đóng hệ thống cống ven biển Tây; đắp 82 đập ngăn mặn kinh phí gần 20 tỉ đồng, tiến hành nạo vét kênh mương.
Ngành nông nghiệp Kiên Giang cũng đã triển khai một lúc nhiều hạng mục công trình chống hạn mặn kết hợp với thay đổi lịch thời vụ xuống giống sao cho phù hợp và đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân và ven biển, hải đảo; đồng thời cũng đã xuất ngân sách hỗ trợ người dân mua lu, bồn chứa nước sinh hoạt, có kế hoạch trữ nước từ ban đầu.
Mực nước các sông ở Trung Bộ sụt giảm nghiêm trọngTheo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do chịu tác động của hiện tượng El Nino, mùa khô năm 2016, dòng chảy trên các sông, suối ở Nam Trung Bộ sẽ giảm dần và có khả năng thiếu hụt hơn.Lượng nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi trên toàn tỉnh Bình Thuận chỉ còn 111,3 triệu/216,5 triệu m3, đạt 51,4% dung tích thiết kế. Mực nước tại 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chỉ còn 63,49/192,21 triệu m3, đạt 33% tổng dung tích thiết kế. Ngoài ra, lượng nước chứa tại hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) hiện ở mức 137,33/165 triệu m3.
Từ đầu năm đến nay, lượng mưa ở khu vực Nam Trung Bộ thiếu hụt 30 đến 50%; lượng dòng chảy, khu vực Trung Bộ thiếu hụt 20 đến 60%, có nơi đến hơn 80% (Khánh Hòa) so với trung bình nhiều năm. Hiện mực nước tại Sông Ba và các suối trên địa bàn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đều đạt thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 30 đến 50%. Cụ thể, tại hồ Ia Mlah, lưu lượng dòng chảy chỉ đạt 2,1 m3/s. Đối với hồ Ia Dreh, mực nước hiện chỉ đạt ở cao trình 183,7 m, tương ứng đạt 28,89% dung tích thiết kế, còn thiếu 3.780.321 m3 nước… Đặc biệt, tại Quảng Nam, một số công trình thủy điện phải ngừng phát điện để giữ nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất trong thời gian tới. Trước đó, do thiếu nước, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị thủy điện A Vương dừng phát điện từ ngày 8/12/2015 đến hết tháng 1/2016 để tích nước. Tuy nhiên, do đến hết tháng 1, mực nước về hồ vẫn thiếu đến 19 m nước, tỉnh Quảng Nam phải tiếp tục đề nghị dừng các tổ máy đến hết tháng 2. Đến thời điểm này, hồ chứa A Vương cũng chỉ tích được 65% dung tích hồ. Hồ thủy điện Sông Tranh 2 là một trong hai hồ thủy điện trong toàn quốc tích đủ nước đến cao trình mực nước dâng bình thường. Tuy nhiên, thủy điện Sông Tranh 2 vẫn phải xả nước cầm chừng để giữ nước cho hạ du. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, hiện các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang thiếu hụt nước nghiêm trọng, khó bảo đảm cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp nếu không có mưa tiểu mãn và mưa bổ sung trong tháng 7, tháng 8 tới đây. Báo VGP news |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.