Các môn thể thao dân tộc truyền thống trong ngày Tết
Mỗi khi Tết đến, Xuân về, các môn thể thao dân tộc của Việt Nam lại thu hút được sự chú ý của giới truyền thông. Bên cạnh truyền thống và sự đam mê, các môn thể thao dân tộc cũng là một nét đẹp nhằm lưu giữ và phát triển văn hóa Việt.
Một trận đấu Cờ người (ảnh: cothu.vn)
Nói đến các môn thể thao trong ngày Tết, Cờ người là bộ môn tạo được hứng thú và thu hút nhiều người theo dõi. Xuất phát từ đồng bằng Bắc Bộ, môn thể thao trí tuệ này chính là một trong những sợi dây tinh thần hiệu quả nhất gắn kết đồng bào ở các làng, xã trên toàn quốc. Với tính cộng đồng rất cao, các trận đấu Cờ người thường được tổ chức tại những khu vực rộng rãi để nhiều người có thể thưởng thức. Các “quân cờ” được mặc y phục được lựa chọn độc đáo, thú vị. Người cầm quân thường sử dụng cây trượng sơn son thếp vàng để điều quân, khiển tướng. Những tiếng trống cổ động cùng sự náo nhiệt của khán giả mang tới không khí lễ hội rất độc đáo của môn thể thao này.
Ngoài Cờ người, các môn thể thao khác mang tính đối kháng cũng rất được ưa chuộng tại khắp các làng xã Việt Nam. Một trong những môn thể thao tôn vinh sức mạnh và sự khéo kéo là Đánh vật. Môn thể thao phát triển rất mạnh ở miền Bắc này thường được tổ chức vào đầu Xuân, khi trai tráng thể hiện tốc độ và khả năng tập luyện của mình trước những người chứng kiến. Đấu vật chính là môn thể thao được gìn giữ và phát triển từ ngàn xưa, khi ông cha ta tôn vinh tinh thần thượng võ và sức mạnh của dân tộc.
Tập trung nhiều ở phía nam, đồng bào ta trong ngày Tết thường có những ngày hội Đua thuyền, đua ghe rất đặc sắc và đậm đà bản sắc dân tộc. Môn thể thao này thường được tổ chức tại những khu vực nhiều kênh rạch, sông ngòi, thu hút rất nhiều người tham gia cổ vũ. Không chỉ đề cao sức mạnh, đua thuyền còn đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất và khả năng tập trung rất cao của các tay chèo dưới sự lèo lái của người cầm trịch.
Tại các bản làng dân tộc thiểu số, những môn thể thao chào Xuân cũng được kế thừa và phát triển tới ngày nay. Bắt nguồn từ điều kiện sống và sinh hoạt, ở những nơi không có nhiều diện tích thi đấu, các môn thể thao dân tộc như Kéo co, Đẩy gậy, hay Bắn nỏ vẫn được đồng bào vùng cao thi đấu trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Không chỉ góp phần gắn kết cộng đồng, những môn thể thao đơn giản nhưng đầy đặc sắc này chính là những yếu tố góp phần bảo vệ, gìn giữ những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt.
ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.