Các nhà khoa học xác nhận cúm H7N9 có nguồn gốc từ gà

          

                                     Các lồng gà tại một khu chợ truyền thống ở Đài Bắc, 25-4-2013. (nguồn: Reuters)                          

                                                       

                                                     Các lồng gà tại một khu chợ truyền thống ở Đài Bắc, 25-4-2013. (nguồn: Reuters)                                                          

                           

                                        

                      

     H7N9, loại virus cúm gia cầm mới đã cướp đi sinh mạng của 23 người tại Trung Quốc, đã được các nhà khoa học nước này lần đầu tiên xác nhận là đã lây nhiễm từ gà sang người.

                

                                         

Trong một nghiên cứu được công bố trực tuyến trên tạp chí khoa học Lancet, các nhà khoa học Trung Quốc đã nhắc lại tuyên bố trên, vốn đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố trước đó. Trong khi đó, theo các quan chức nước này, hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu loại virus này có thể lây từ người sang người.

     Theo ông Kwok Yung Yuen, trưởng nhóm nghiên cứu, thuộc đại học Hồng Công, những con gà tại các chợ gia cầm chính là nguồn lây nhiễm sang người. Ông chia sẻ trên tạp chí Lancet: “Cần phải xem xét việc can thiệp mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn việc lây bệnh từ động vật sang người tại các chợ gia cầm sống, như trước đây đã từng xảy ra ở Hồng Công.”

     Ngoài ra, nhà khoa học này còn nhấn mạnh sự cần thiết của việc tạm thời đóng cửa các chợ gia cầm sống và triển khai các chương trình giám sát toàn diện, chọn lọc, phân tách các loài gia cầm, để có thể “ngăn chặn sự phát triển của virus thành một đại dịch”.

     “Các bằng chứng cho thấy đây hoàn toàn là các lây nhiễm từ gia cầm sang người và do đó, kiểm soát (lây nhiễm ở người) sẽ phụ thuộc vào kiểm soát dịch bệnh ở gia cầm”, ông nói.

     Nhóm các nhà khoa học của ông đã tiến hành nghiên cứu cụ thể trên bốn bệnh nhân nhiễm H7N9 tại tỉnh Chiết Giang. Tất cả bốn người này đều đã tiếp xúc với gia cầm trong quá trình làm việc hoặc tới chợ gia cầm sống.

     Các nhà nghiên cứu đã lấy bệnh phẩm từ 20 con gà, bốn con chim cút, năm con chim bồ câu và 57 con vịt từ sáu khu chợ mà các bệnh nhân đã tới. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hai trong số năm con chim bồ câu và bốn trong số 20 con gà có phản ứng dương tính với H7N9, còn số vịt và chim cút không có dấu hiệu dương tính với H7N9.

     Sau khi phân tích cấu trúc gien của virus H7N9 từ một bệnh nhân và so sánh với mẫu từ một con gà nhiễm cúm, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy những điểm tương đồng, cho thấy virus được truyền trực tiếp từ gia cầm sang người.

     Nhóm nghiên cứu cũng kiểm tra hơn 300 người đã có tiếp xúc gần với bốn bệnh nhân nhưng không phát hiện bất kỳ triệu chứng nhiễm H7N9 trong vòng 14 ngày kể từ khi bắt đầu giám sát. Điều này cho thấy, virus hiện vẫn không có khả năng truyền từ người sang người.

     Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng, theo những phân tích di truyền trước đây, virus H7N9 đã có một số đột biến gien nhằm thích ứng đặc biệt để có thể dễ lây nhiễm cho động vật có vú hơn, điều này làm tăng nguy cơ gây đại dịch ở người. Theo đó: “Những thích ứng sau này của virus có thể dẫn đến lây nhiễm, với các triệu chứng nhẹ hơn và khả năng lây từ người sang người cao hơn.”

     Phát hiện của ông Yuen không có nghĩa là mọi trường hợp nhiễm H7N9 ở người đều do lây từ gà hoặc gia cầm, nhưng các kết quả trên cũng đã xác nhận được rằng, gà là một trong những nguồn lây nhiễm bệnh dịch.

     Theo WHO, 40% những người nhiễm H7N9 có vẻ như không hề tiếp xúc với gia cầm. Như vậy, cái gọi là “vật chủ” chứa virus có thể là các loại chim hay động vật có vú khác, và đây chính là câu hỏi mà hiện nay, những nhà nghiên cứu Trung Quốc đang rất nỗ lực tìm ra câu trả lời.