Các nhà sản xuất di động đổ về Việt Nam

Hiệu ứng dây chuyền từ thành công của Intel, Samsung… và một số tác động do dịch Covid-19 gây ra đã kéo theo các tập đoàn công nghệ khổng lồ khác đẩy nhanh quá trình chuyển hướng chuỗi cung ứng sang Việt Nam, mới nhất là Xiaomi với nhà máy ở Thái Nguyên. Không chỉ vậy, Apple đã có bước chuẩn bị để sản xuất iPad, Macbook tại Việt Nam sau khi đã sản xuất tai nghe iPod.

san-xuat-di-dong_elpj
Một góc nhà máy sản xuất thiết bị di động của Samsung tại Thái Nguyên.

Những nhà sản xuất mới

Thông tin từ Hãng Xiaomi phát đi ngày 31-5 vừa qua, hãng này thông qua đối tác DBG Technology VN có nhà máy tại Thái Nguyên, đã cho ra lò smartphone Xiaomi và các thiết bị khác. Những lô hàng điện thoại di động Xiaomi sản xuất tại Việt Nam lần đầu tiên đã được cung cấp cho đại lý phân phối có trụ sở tại TPHCM là Digiworld để bán tại thị trường trong nước. Phía Xiaomi cho rằng, sản phẩm smartphone và các thiết bị khác sản xuất tại Việt Nam không chỉ cung cấp cho thị trường Việt Nam mà còn được xuất sang thị trường Thái Lan và Malaysia.

Công ty DBG Technology VN, đối tác của Xiaomi, là đơn vị đã xây dựng nhà máy lắp ráp điện thoại tại Thái Nguyên. Nhà máy này được đưa vào hoạt động cuối năm ngoái, với kỳ vọng sản xuất 20 triệu sản phẩm mỗi năm không chỉ điện thoại mà còn có máy tính, điện tử gia dụng, linh kiện điện tử…  Đại diện của DBG Technology VN, ông Henry Wu cho biết:  “Chúng tôi rất hào hứng về hợp tác giữa Xiaomi và DBG Technology VN, thông qua đó, chúng tôi đồng hành cùng Xiaomi, sản xuất sản phẩm của thương hiệu hàng đầu thế giới tại Việt Nam”.

Hiện, những sản phẩm tai nghe không dây của Apple thân thuộc với người dùng Việt Nam và cả thế giới như AirPods và AirPods Pro, đều được sản xuất tại Việt Nam. Việc sản xuất dòng sản phẩm này tại Việt Nam cho thấy một bước tiến về sự tín nhiệm với đối tác cũng như môi trường đầu tư, sản xuất tại Việt Nam. Chưa hết, các thông tin cho thấy Apple cũng sẽ chuyển một số dây chuyền sản xuất iPad, thậm chí Macbook từ Trung Quốc sang Việt Nam trong bối cảnh lệnh phong tỏa vì Covid-19 tại TP Thượng Hải (Trung Quốc) và vùng lân cận. Điều này cho thấy vị thế của Việt Nam trong sản xuất các mặt hàng công nghệ ngày càng được khẳng định.

Nền tảng kế thừa

Samsung và Intel có thể được coi là thế hệ nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên đặt nền móng cho ngành sản xuất điện tử tại Việt Nam. Và cho đến nay, Việt Nam là trung tâm sản xuất điện tử hàng đầu của nhiều đại gia toàn cầu khác, gồm LG, Foxconn và cả Nokia.

Tháng 5-2022, Bộ Công thương công bố báo cáo cho biết, cả năm 2021, Việt Nam sản xuất 233,7 triệu chiếc điện thoại di động, tăng 7,6% và trị giá sản xuất linh kiện điện thoại đạt 580.800 tỷ đồng, tăng 29,5% so với năm 2020. Như vậy, nếu so với doanh số 1,25 tỷ chiếc điện thoại di động tiêu thụ trên toàn cầu năm 2020 thì sản lượng điện thoại sản xuất tại Việt Nam đang chiếm tới gần 20% nguồn cung cho cả thế giới. Chính vì vậy, thị phần điện thoại thông minh của Việt Nam trên toàn cầu đã tăng lên đáng kể. Đứng sau Trung Quốc – chiếm vị trí sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới, Việt Nam đã giành được 13% thị phần, nhanh chóng vươn lên thành nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới.

Thực tế hiện nay khá đúng với nhận định của Samsung khi cách đây vài năm, Samsung dự báo Việt Nam sẽ là “cứ điểm” sản xuất thiết bị di động. Đến nay, Việt Nam đã trở thành nơi sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung, chiếm tới 60% tổng lượng điện thoại bán ra của tập đoàn này trên toàn cầu. Hiện Samsung là hãng điện thoại số 1 thế giới, với sản lượng hàng năm rất lớn.

Một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam được biết đến là quốc gia có thế mạnh về các hoạt động lắp ráp thành phẩm để xuất khẩu. Nhờ vậy, Việt Nam đã trở thành điểm đến sản xuất và lắp ráp chính của hầu hết các nhà sản xuất điện thoại di động đẳng cấp thế giới. “Đáng chú ý, các công ty nội địa Việt Nam đã và đang nâng cao năng lực cạnh tranh của mình khi tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất lớn, như số lượng nhà cung cấp cấp 1 của các công ty nội địa cho Samsung đã tăng nhanh trong vài năm qua. Song song đó, lợi thế khác của Việt Nam trong ngành công nghiệp điện thoại chính là các công ty đa quốc gia đã thiết lập chuỗi cung vượt trội từ rất lâu, điều này giúp các nhà sản xuất điện thoại dễ dàng tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu với chi phí hợp lý”, ông Lê Hoài Quốc, nguyên Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, người có bề dày làm việc với các nhà đầu tư công nghệ lớn là Intel, Samsung, cho biết.

Nguồn: SGGP