Các tỉnh phía Nam áp dụng biện pháp quyết liệt ngăn chặn cúm gia cầm

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước hiện có 56 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 22 tỉnh, thành phố. Trong đó, khu vực phía Nam có nhiều địa phương có ổ dịch mới phát sinh.

 

 Dịch cúm đang làm gia cầm ở nhiều tỉnh phía Nam chết hàng loạt
(Nguồn: tayninhonline)

Là tỉnh hiện có dịch cúm chưa qua 21 ngày thì tại Tây Ninh lại mới vừa xảy ra tình trạng gia cầm chết trong một trang trại, theo đó, ngành chức năng của huyện Châu Thành đang kết hợp cùng Chi cục Thú y tỉnh Tây Ninh và chính quyền cơ sở tiến hành lấy mẫu gà tại trang trại của gia đình ông Bùi Văn Linh, ngụ khu phố II, thị trấn Châu Thành.

 

Trang trại này hiện đang nuôi 8.000 con gà được 40 ngày tuổi. Trước đó vài ngày, đàn gà có triệu chứng tiêu chảy, chảy nước mũi, mồng gà tím tái, sau đó gà chết dần. Đến nay đã có khoảng vài trăm con bị chết. Nghi ngờ gà nhiễm bệnh, gia đình đã báo cơ quan chức năng.

Nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ra khu vực lân cận, Trạm Thú y huyện Châu Thành cùng chính quyền địa phương Thị trấn tổ chức tiêu hủy số gà chết trên, đồng thời cho cán bộ thú y tiêu độc, khử trùng toàn bộ trang trại.

Ông Lê Văn Hoàng, Trưởng trạm thú y huyện Châu Thành cho biết, ngay sau khi có kết quả của Cơ quan Thú y vùng VI về tình trạng đàn gà của gia đình ông Bùi Văn Linh, nếu cho kết quả dương tính với virus cúm A/H5N1 thì Trạm thú y huyện cùng chính quyền địa phương sẽ tiêu hủy toàn bộ số gà còn lại, vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực trang trại, đồng thời cử cán bộ theo dõi chặt chẽ sức khỏe của gia đình chủ trang trại.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay, lượng gia cầm giết mổ cung cấp cho địa phương này là khoảng trên 3 nghìn tấn gà thịt, tương đương 2,1 triệu con, vịt khoảng 900 tấn, chim cút khoảng 61 nghìn con, trứng gia cầm khoảng trên 81 nghìn quả, lượng thực phẩm kể trên cung cấp cho thành phố Hồ Chí Minh có nguồn gốc từ các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang…

Do hiện nay, những tỉnh xung quanh thành phố Hồ Chí Minh như Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu đều đã xuất hiện cúm gia cầm. Vì vậy, áp lực với thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm là rất lớn. Trong khi đó, trên địa bàn Thành phố vẫn có khá nhiều điểm bán gia cầm sống trái phép, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch.

Chính vì vậy, các ngành chức năng của thành phố Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch, khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc phòng chống dịch cúm gia cầm, thông qua việc trao đổi thông tin về phòng chống dịch giữa các địa phương. Cùng với đó, công tác tuyên truyền trong phòng chống dịch cúm gia cầm được tăng cường, thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin.

Các địa phương tích cực chủ động thông tin kịp thời tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn, đồng thời cung cấp danh sách các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung an toàn dịch bệnh giữa các địa phương trong khu vực để phối hợp kiểm tra giám sát khi tiếp nhận nguồn gia cầm, thuỷ cầm đưa vào giết mổ.

Tại tỉnh Bình Dương, thực hiện công tác chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp hiện nay, Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Bình Dương đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong tỉnh chủ động phối hợp với cơ sở y tế tại địa phương triển khai một số biện pháp phòng chống bệnh.

Theo đó, các đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch cúm A(H7N9), quyết tâm khống chế và ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong trường học và cộng đồng. Quản lý tốt sức khỏe của học sinh- sinh viên, đồng thời, tăng cường giáo dục cho các em thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, hướng dẫn học sinh- sinh viên tuyên truyền về cách phòng, chống dịch bệnh trong gia đình, cộng đồng.

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền về biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin của nhà trường. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; cung cấp đủ nước uống, nước sạch bảo đảm vệ sinh cho học sinh- sinh viên, giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường. Thường xuyên thực hiện vệ sinh môi trường trường học, đặc biệt là các công trình cấp nước, công trình vệ sinh. Ngoài ra còn hướng dẫn học sinh- sinh viên ý thức và kỹ năng phát hiện bệnh. Khẩn trương thông báo ngay cho các đơn vị y tế khi phát hiện có trẻ em, học sinh- sinh viên mắc bệnh để phối hợp xử lý kịp thời.

Nhiều địa phương ở Bình Dương cũng đã triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm nhỏ lẻ tại địa phương, bởi đây là nguồn lây nhiễm cao và khó kiểm soát. Qua việc tiêm phòng, các địa phương đã làm tốt công tác này tích cực ngăn chặn dịch, như thị xã Dĩ An, ngành chức năng của Thị xã đã phân bổ 6.400 liều vắc-xin phòng cúm gia cầm về cho tất cả các phường, cử cán bộ thú y cơ sở tiến hành đến từng hộ chăn nuôi để tiêm phòng cho đàn gia cầm. Đối với vịt sẽ tiêm 2 mũi, mũi 1 vào lúc 21 ngày tuổi, mũi 2 lúc 36 ngày tuổi, đối với gà tiêm 1 mũi vào 21 ngày tuổi.

Dự kiến thời gian tới thị xã Dĩ An sẽ tiếp tục phân bố khoảng 3.600 liều vắc-xin đến các địa phương để bảo đảm 10.000 con gia cầm đang được chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn đều được tiêm phòng đầy đủ.

Đồng Nai là tỉnh cửa ngõ của thành phố Hồ Chí Minh, do đó, hàng ngày có số lượng gia cầm được vận chuyển qua địa bàn tỉnh này là khá lớn. Trước thực trạng dịch cúm gia cầm bùng phát ở một số tỉnh trong nước, các hộ chăn nuôi gia cầm tại Đồng Nai chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống dịch. Nhiều hộ đã quyết định hạn chế xuất – nhập các nguyên vật liệu liên quan đến gia cầm để đảm bảo an toàn.

Theo Chi cục Thú y Đồng Nai, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 12 triệu con gà, trong đó chăn nuôi trang trại chiếm trên 85% với 327 trang trại. Tiếp đó là đàn chim cút với tổng đàn trên 4 triệu con và đàn vịt trên 230 nghìn con. Đây là con số không nhỏ nên công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm luôn được đề cao, nhất là trong giai đoạn dịch cúm đang có xu hướng bùng phát và lây lan.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết, trước tình hình dịch cúm gia cầm gia tăng, chúng tôi đã gấp rút thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và thường xuyên tuyên truyền đến người dân. Ngoài 2 đợt chích ngừa dịch hàng năm do ngành chức năng tổ chức thì người dân cũng tự chích phòng bổ sung, chủ động trước dịch bệnh.

Trước nguy cơ dịch bệnh tăng cao, các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Theo ông Chu Quí, một hộ chăn nuôi gia cầm tại huyện Trảng Bom cho biết, thời gian này gia đình luôn chủ động theo dõi các thông tin về dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nắm bắt tình hình, đồng thời tăng cường công tác phòng, chống dịch. Mỗi ngày gia đình ông Quí phun thuốc khử trùng khu vực chuồng trại ít nhất 2 lần và thường xuyên dọn dẹp chuồng trại để đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra còn hạn chế xuất – nhập các sản phẩm liên quan đến gia cầm để hạn chế nguồn gây bệnh từ ngoài vào./..

Nguồn ĐCSVN