Cải cách môi trường kinh doanh cần lan toả mạnh mẽ hơn

Dù đã cải tiến về tư duy và chính sách trong nhiều năm qua, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra khi cải cách môi trường kinh doanh. Con đường phía trước vẫn còn mấp mô, nhiều “ổ gà”.
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đây là ý kiến của các chuyên gia tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp 2017 do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 50 Ngày thành lập.

Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, thông điệp của Chính phủ đã đủ mạnh, chính sách đã nhiều, định hướng đã rõ nên giải pháp quan trọng là hành động, rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xoá bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi, giữa lời nói và hành động.

“Qua khảo sát các doanh nghiệp FDI, có không ít doanh nghiệp e ngại vì thay đổi nhiều quy định quá. Họ hy vọng và chờ đợi ở những hành động cụ thể”, ông Tuấn nói.

Cùng nhấn mạnh về vấn đề thực thi chính sách, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, dù có quá trình phát triển cải tiến về tư duy và chính sách trong nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn còn nhiều vấn đề cần phải cải thiện. Con đường đi vẫn còn mấp mô, vẫn có nhiều “ổ gà”.

Sự “mấp mô” mà ông Thành nhắc đến được đề cập khá rõ trong báo cáo “Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam: Kinh doanh trong chật vật” được trình bày tại diễn đàn. Cụ thể, tỉ lệ doanh nghiệp tăng vốn đầu tư đã giảm gần 15% trong vòng 10 năm từ mức 27,6% năm 2006 xuống còn 11% năm 2016; tỉ lệ doanh nghiệp tăng quy mô lao động giảm từ 22% xuống còn 13%; quy mô lao động trung bình từ 31,6 người xuống 26,6 người; tỉ lệ doanh nghiệp báo lãi từ 77,5% xuống 65% trong khi tỉ lệ doanh nghiệp báo lỗ lại tăng từ 10,8% lên 23%.

Từ những con số trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI phân tích, khu vực doanh nghiệp vẫn đang gặp không ít khó khăn trong hoạt động của mình, từ chi phí không chính thức đến vay vốn khó khăn, thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và trình độ phù hợp, chất lượng kết cấu hạ tầng kém, chưa đồng bộ cho đến các vướng mắc và khó khăn về thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan hay xuất-nhập khẩu…

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, quy định về điều kiện kinh doanh đã và đang là một rào cản lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và hoạt động của doanh nghiệp, làm nảy sinh bất lợi cho hoạt động kinh doanh như rủi ro pháp luật; hạn chế cạnh tranh; hạn chế sáng tạo-kinh doanh theo chuỗi; gia tăng chi phí và tác động không cân đối đến doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Tại Diễn đàn, các diễn giả cũng trao đổi giải đáp vấn đề  làm sao để tháo gỡ khó khăn, để tinh thần cải cách, kiến tạo của Chính phủ thật sự đi vào thực tế hoạt động phục vụ doanh nghiệp ở cơ sở.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định về đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các Luật liên quan nhằm đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh, minh bạch và dễ tuân thủ. Cần rà soát các khoản phí có liên quan trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp để xem xét giảm mức phí tạo thuận lợi giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Dưới góc nhìn khác, theo TS. Vũ Đình Ánh, không nên chỉ trông chờ một phía là Chính phủ, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng nên bỏ tư duy “xin-cho”. Cần tận dụng những thời cơ do quá trình đổi mới, hội nhập và cải cách các chính sách thể chế kinh tế đem lại.

“Tại các hội nghị đối thoại doanh nghiệp trước đây, có quá nhiều doanh nghiệp tranh thủ “xin”, chứ không phải cùng bàn bạc chính sách dài hạn để tạo dựng môi trường kinh doanh tốt hơn. Vì còn có “xin”, thì sẽ còn có “cho”, luẩn quẩn như vậy doanh nghiệp cũng không thể nào lớn được” chuyên gia Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

Cũng theo các đại biểu, sự phát triển của doanh nghiệp chịu tác động của hai yếu tố ngoại lực và nội lực, trong đó ngoại lực là kinh tế vĩ mô, thể chế, hệ thống chính sách pháp luật còn nội lực là năng lực quản trị của doanh nghiệp.

Trải qua giai đoạn khởi nghiệp và giai đoạn thuận tiện phát triển, hiện nay, bước vào giai đoạn chuyên nghiệp hóa, nhiều doanh nghiệp đang bị “mắc kẹt”, khó phát triển cao hơn, lớn hơn. Do vậy, đã đến lúc các doanh nghiệp phải chuyên nghiệp hóa nâng cao năng lực quản trị để phát triển bền vững.

Chinhphu.vn