Cấm sóng, khóa kênh… để làm lành mạnh môi trường nghệ thuật

Bộ TT-TT vừa cho biết, đã đề xuất Bộ VH-TT-DL xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật. Theo đó, dự kiến bên cạnh việc xử phạt hành chính đã quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, sẽ áp dụng các hình thức hạn chế người vi phạm như dừng, tạm dừng xuất hiện trên sóng truyền hình, trên các nền tảng mạng xã hội và hoạt động biểu diễn trực tiếp…


PHÓNG VIÊN: Việc phối hợp giữa Bộ VH-TT-DL và Bộ TT-TT trong quy trình xử lý này như thế nào, thưa bà?

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn TRẦN LY LY: Trong thời điểm hiện nay, hoạt động của các nghệ sĩ ngoài thực tế còn được thực hiện trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau, bởi vậy việc phối hợp để giữ một môi trường nghệ thuật lành mạnh là rất cần thiết. Vừa qua, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) và Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) cũng đã có những buổi làm việc mang tính nguyên tắc xung quanh vấn đề này. Theo đó, với mỗi trường hợp liên quan tới biểu diễn, nghệ sĩ…, thẩm định về nội dung chuyên môn sẽ do các đơn vị chuyên môn của Bộ VH-TT-DL xem xét, xử lý. Về phía kỹ thuật trên các nền tảng mạng xã hội khi được xác định là có vi phạm thì sẽ do phía Bộ TT-TT đảm trách.

Cơ quan quản lý có xây dựng barem về các hành vi vi phạm cụ thể nào thì sẽ bị cấm sóng, cấm diễn, cấm mạng không?

Với nghệ sĩ, được biểu diễn, được xuất hiện trước công chúng là điều cực kỳ quan trọng. Bởi vậy, việc áp dụng các hình thức cấm xuất hiện trên truyền hình, trên các nền tảng xã hội và cấm biểu diễn trực tiếp là điều cơ quan quản lý không mong muốn và sẽ rất cân nhắc. Phần lớn nghệ sĩ, diễn viên đang hoạt động trong các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện rất tốt Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật.

Song như chúng ta biết, “Influencer” hay “KOL” (những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội) có thể đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, không chỉ có nghệ sĩ, diễn viên… Tuy nhiên, nghệ sĩ lại luôn là tâm điểm của công chúng, chỉ một hành động, cử chỉ của nghệ sĩ sai lệch đều ảnh hưởng đến công chúng, xã hội, vì thế với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có tính chất lặp đi lặp lại dù đã được cảnh báo nhắc nhở… thì cũng cần phải có những biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết.

Vậy với những trường hợp hạn chế xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, nền tảng mạng xã hội có quy định về thời gian không?

Liên quan tới các cấp độ hành vi vi phạm, thời gian áp dụng các biện pháp phạt bổ sung đang được bàn bạc, tính toán và xây dựng để đảm bảo tính minh bạch, đúng người, đúng tội. Có trường hợp sẽ khóa kênh, cắt nguồn tiền quảng cáo, cắt sóng, cấm biểu diễn…, hoặc áp dụng đồng thời tất cả các hình thức.

Những vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, và vừa qua, Bộ VH-TT-DL cũng ban hành Bộ quy tắc ứng xử đối với văn nghệ sĩ… Phải chăng các chế tài chưa đủ sức răn đe?

Thực tế là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh… đều đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có văn bản nào đề cập sâu và toàn diện những khía cạnh liên quan đến phạm trù đạo đức, văn hóa ứng xử của người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật.

Xuất phát từ thực tế này, Bộ VH-TT-DL đã soạn thảo và ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Bộ quy tắc này nhấn mạnh nguyên tắc công khai, minh bạch, kịp thời trong công tác xã hội, giữ niềm tin, uy tín, trách nhiệm, danh dự người hoạt động nghệ thuật, không lạm dụng danh hiệu, hình ảnh để tư lợi cá nhân. Phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa trong xã hội đến cộng đồng. Đối với hoạt động quảng cáo, nghệ sĩ phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng… Những quy tắc ứng xử có thể xem như một tấm gương soi chiếu; khẳng định vai trò, trách nhiệm của các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật…, nhắc nhở mỗi nghệ sĩ cần giữ gìn sự chuẩn mực là điều vô cùng cần thiết.

Song cũng cần khẳng định, quy tắc ứng xử này mang tính định hướng để những người hoạt động trong ngành nghệ thuật noi theo nhằm điều chỉnh hành vi. Trong khi đó vẫn tồn tại những trường hợp hoạt động trong giới nghệ thuật cố tình gây sự chú ý bằng scandal, mắc sai phạm có hệ thống, lặp đi lặp lại nhiều lần gây bức xúc dư luận… Với những trường hợp này, cần phải có những hình thức áp dụng mang tính răn đe mạnh hơn, chính bởi vậy mới cần sự chung tay vào cuộc của các bộ, ngành liên quan.

Dự kiến thời điểm nào sẽ áp dụng những hình thức phạt bổ sung này?

Từ kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, Bộ VH-TT-DL cùng Bộ TT-TT sẽ tiếp tục rà quét, xử lý các vi phạm để chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ trên môi trường mạng. Dự kiến có thể công bố và áp dụng các hình thức hạn chế này trong năm 2023.

Nguồn SGGP