Cần chấm dứt những thông tin sai lệch về sách giáo khoa phổ thông
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền thông tin sai sự thật về các nội dung trong sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Những thông tin này dẫn đến nhiều bình luận tiêu cực về sách giáo khoa, người viết sách giáo khoa và ngành giáo dục.
Liên quan đến việc xuyên tạc, lan truyền những nội dung không chính xác về một số nội dung được cho là ngữ liệu trong sách giáo khoa (SGK) phổ thông hiện hành như: Giã gao thổi cơm, Bạn An dũng cảm, Bắn tung tóe, Bé xách đỡ mẹ, Vẽ gì khó,… Bộ GD&ĐT khẳng định, các nội dung trên không có trong bất kỳ cuốn SGK hiện hành nào đang được sử dụng tại các nhà trường.
Trước các thông tin trên, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT đề nghị hỗ trợ xác minh, kiểm tra nguồn gốc các thông tin trên. Đồng thời, có giải pháp ngăn chặn việc lan truyền thông tin sai sự thật; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng tải, bình luận xuyên tạc, sai sự thật khiến dư luận hoang mang, ảnh hưởng tới uy tín của ngành giáo dục.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – Chủ biên chương trình giáo dục 2018 môn Ngữ văn cho biết, những đoạn trích trên mạng có nội dụng phản giáo dục, phụ huynh và người dùng mạng xã hội nên tỉnh táo phân tích. “Ở đây không có sách nào đưa vào những bài như thế cả. Đó là một cái vô lý, tạo ra dư luận không hay về SGK, ảnh hưởng đến chương trình giáo dục 2018”.
Ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam cho biết: “Khi tiếp nhận thông tin chúng ta nên có tính phản biện, cần nhận biết thông tin đó có xác thực không. Quy trình biên soạn SGK từ trước tới nay là vô cùng nghiêm ngặt.
Bên cạnh những văn bản, những ngữ liệu được quy định trong chương trình phổ thông thì cũng có những văn bản, ngữ liệu tác giả SGK tự lựa chọn, tuy nhiên, sự lựa chọn đó bao giờ cũng tuân thủ quy trình hết sức chặt chẽ. Trước hết là sự lựa chọn của nhóm tác giả, sau đó là sự phản biện của các chuyên gia, của đội ngũ biên tập và duyệt. Cho nên, nội dung văn bản có nội dung không tốt, hầu như không bao giờ có cơ hội xuất hiện trong SGK “.
Với các trường học, để ngăn ngừa những thông tin giả mạo, nhiều trường đã tổ chức các buổi chia sẻ để giáo viên và học sinh hiểu hơn về tác hại của những thông tin độc hại. Tại Trường THCS Nguyễn Công Trứ (Ba Đình, Hà Nội), để những thông tin xuyên tạc không gây ảnh hưởng tới nhà trường và phụ huynh, Ban giám hiệu trường này đã tổ chức buổi chia sẻ với toàn bộ giáo viên và yêu cầu thầy cô giáo cẩn trọng trước những thông tin không chính thống.
Dưới góc độ pháp luật, luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cảnh báo, vấn nạn tin giả, đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội và truyền thông nói chung hiện nay cần được quản lý chặt chẽ nhằm tránh gây hoang mang cho người dân.
Luật sư Nghiêm Quang Vinh cho biết, nếu có sự nhầm lẫn ở mức độ thiệt hại thấp, bên bị đưa tin có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, ở mức độ nghiêm trọng hơn có thể căn cứ Luật An ninh mạng và Luật Báo chí để xử lý vi phạm. Đối với những thông tin ảnh hưởng đến quyền lợi, danh dự, thiệt hại về mặt kinh tế, bên bị đưa tin có quyền khởi kiện ra tòa và được xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Với trường hợp trên, việc rút bài, xin lỗi, đính chính ngay khi nhận thông tin là cần thiết, tránh để sự việc nghiêm trọng hơn.
Thay sách giáo khoa theo chương trình giáo dục mới
Điều 2 Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT quy định lộ trình Chương trình giáo dục phổ thông mới như sau:
– Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.
– Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6.
– Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
– Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11.
– Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Như vậy, học sinh lớp 4, 8 và 11 năm nay sẽ học SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, không giống chương trình của các năm học trước.
Nguồn suckhoedoisong.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.