Cần chủ động các biện pháp phòng bệnh cúm A ở trẻ trong lúc giao mùa

(THTG) Thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện thích hợp cho các mầm bệnh, trong đó có cúm A phát triển mạnh. Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc cúm A do hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, nên sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Hiện nay đang là cao điểm của dịch cúm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang khuyến cáo các bậc phụ huynh chú ý các triệu chứng để phát hiện sớm bệnh cúm, đưa trẻ đến các cơ sở y tế điều trị kịp thời.

Thời tiết giao mùa, trẻ nhập viện vì mắc cúm A tăng cao.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là với trẻ dưới 5 tuổi và những trẻ có bệnh lý nền thì hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng cúm. Các phụ huynh cần tăng cường về dinh dưỡng cho trẻ em ở nhà như ăn thức ăn được nấu chín, uống nước đã nấu chin để nguội, bổ sung nhiều vitamin, thực phẩm theo mùa, vì cúm A là dịch bệnh có thể gây suy giảm miễn dịch và biến chứng bội nhiễm sau cúm; kèm theo đó là cách ly đối với trường hợp có nghi ngờ cúm để hạn chế vấn đề lây lan ra cộng đồng.

Theo CDC Tiền Giang, khi bị cúm A, trẻ thường có các triệu chứng như: Sốt cao, nhức đầu, mỏi cơ, ho, lười vận động, chảy nước mũi, hắt hơi… một số trường hợp trẻ có thể bị sốt cao kèm theo co giật. Bệnh cúm A tiến triển rất nhanh, nếu không xử trí kịp thời dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

Triệu chứng của cúm A rất khó phân biệt với các bệnh viêm đường hô hấp khác. Theo đó, người dân không được chủ quan, lơ là và cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: tiêm vaccine cúm đầy đủ mỗi năm để ngăn ngừa bệnh hiệu quả; hạn chế đến nơi đông người, đeo khẩu trang tại những nơi đông người, vệ sinh tay thường xuyên; khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần đi khám để điều trị kịp thời.

Tin và ảnh: Thanh Hoàng CDC