Cần cơ chế đặc biệt phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL
Tại hội nghị tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2010 và 2011-2020, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong đầu tư hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL và yêu cầu các địa phương đề xuất cơ chế đặc thù để phát triển khu vực này tương xứng với tiềm năng.
Hàng loạt tuyến đường dang dở
Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, việc đầu tư hệ thống đường bộ, đường thủy, hàng hải, hàng không trong vùng thời gian qua cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đề ra trong Nghị quyết số 21-NQ/TW, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần củng cố an ninh – quốc phòng của khu vực. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, những kết quả từ báo cáo chưa phản ánh hết thực trạng về giao thông khu vực ĐBSCL hiện nay.
Cụ thể, 5 tuyến trục dọc đã được đầu tư là đường cao tốc TPHCM – Trung Lương; tuyến QL1 từ TPHCM – Cần Thơ – Cà Mau; tuyến N1; tuyến N2; tuyến hành lang ven biển qua QL50, QL60 và QL1 nhưng chưa tuyến nào hoàn chỉnh. Trong đó, tuyến cao tốc TPHCM – Cần Thơ do khó khăn về nguồn vốn nên việc khai thác đoạn từ Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ chậm so với yêu cầu. Đặc biệt, theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hệ thống tỉnh lộ khu vực này đang rất kém, mặt đường có những tuyến chỉ 5-9m, giảm khả năng kết nối quốc lộ. Đường nông thôn tải trọng chỉ dưới 5 tấn.
Về đường thủy, hiện sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ khai thác khá tốt, nhưng kết nối 3 sông phụ thuộc vào tuyến kênh Chợ Gạo khiến phương tiện phải đi vòng vèo, chi phí tăng cao. Về hàng hải, cảng quan trọng nhất là Cái Cui (Cần Thơ) không thể nâng công suất lên quá 10.000 tấn, do không thể nạo vét được kênh Quan Chánh Bố. Về hàng không, ngoài 2 sân bay Phú Quốc và Cần Thơ được đầu tư tốt, 2 sân bay Rạch Giá và Cà Mau hiện chỉ khai thác được máy bay nhỏ. Đường sắt còn mờ nhạt hơn, khi tuyến đường sắt từ TPHCM – Mỹ Tho – Cần Thơ vẫn đang trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chưa có kế hoạch cụ thể cho việc triển khai.
Cần cơ chế đặc thù phát triển liên vùng
Để đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL trong giai đoạn tới, lãnh đạo TP Cần Thơ kiến nghị Trung ương và Bộ GTVT tập trung vốn đầu tư công cho ĐBSCL, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường cao tốc đang triển khai. Tương tự, lãnh đạo các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang… cũng kiến nghị Trung ương và các bộ, ngành cần ưu tiên hơn cho đầu tư hạ tầng khu vực ĐBSCL, có kế hoạch trung hạn tập trung vào cao tốc Đông – Tây và cao tốc Bắc – Nam xuống tận Cà Mau. Theo báo cáo của Bộ GTVT, tổng số vốn đầu tư công cho khu vực này giai đoạn 2003-2020 khoảng 109.244 tỷ đồng, cao hơn bình quân chung cả nước (87.869 tỷ đồng) và cao hơn một số khu vực khác.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp từ các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định chủ trương sẽ tập trung đầu tư hạ tầng cho khu vực ĐBSCL, trong đó trục dọc cao tốc sẽ đầu tư các đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, gồm các đoạn: Trung Lương – Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ, Cần Thơ – Cà Mau. Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây sẽ đầu tư tổng chiều dài 180km, gồm đoạn Đức Hòa – Thạnh Hóa, Thạnh Hóa – Tân Thạnh, Tân Thạnh – Mỹ An, Mỹ An – Nút giao An Bình. Với trục ngang, các tuyến Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; Hà Tiên – Rạch Giá, An Hữu – Cao Lãnh sẽ được đầu tư.
Về đường sắt TPHCM – Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết sẽ phối hợp với các địa phương để kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Sắp tới, ngành giao thông cũng sẽ tập trung phát triển 4 hành lang vận tải thủy nội địa, tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu; nghiên cứu cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải Trần Đề, duy trì khai thác luồng Định An, cải tạo luồng hàng
hải sông Tiền…
Về nguồn vốn, bên cạnh ưu tiên đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề xuất giải pháp đột xuất như phát hành trái phiếu Chính phủ, có cơ chế đặc thù về đầu tư. Một số dự án mang tính đột phá như cảng Trần Đề, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Châu Đốc – Cà Mau, Kiên Giang – Bạc Liêu… cần đưa ra mốc thời gian hoàn thành và thu xếp vốn để các bộ, ngành và Bộ Chính trị thảo luận. Tuy nhiên, các địa phương cần chủ động, tích cực hơn trong việc đầu tư hạ tầng giao thông cho địa phương, trước hết là nâng cấp hệ thống tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn. Đặc biệt, địa phương cần phối hợp với Bộ GTVT trong việc kêu gọi các nguồn vốn ngoài ngân sách, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại vào trung ương, làm chậm tốc độ phát triển kinh tế của khu vực.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.