Cần có trung tâm logistics nghề cá cho ĐBSCL
Cá tra xuất khẩu Việt Nam vẫn “một mình một chợ” nhưng rất cần liên kết phát triển chuỗi để tránh rủi ro
Ngày 21-8, tại TP Long Xuyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị “Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai đề án giống cá tra 3 cấp” với tham dự của lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL.
Ồ ạt thả nuôi vì giá cao
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL cho biết đầu năm 2018, giá cá tra ở mức cao nên nửa đầu năm nay, người dân ồ ạt thả cá. Tại TP Cần Thơ, diện tích thả nuôi đã tăng hơn 16% so với cùng kỳ, giá cá nguyên liệu cũng bắt đầu giảm còn 26.000 – 26.500 đồng/kg nhưng người nuôi vẫn có lãi. Dự báo từ nay đến cuối năm, nguồn cá nguyên liệu vẫn còn nhiều. Tại tỉnh Đồng Tháp, ông Hồ Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết diện tích thả nuôi cá tra trên địa bàn đã tăng gần 99 ha trong 6 tháng đầu năm, lên mức hơn 1.800 ha. Sản lượng cá tra chế biến của các doanh nghiệp (DN) gần 128.000 tấn (tăng 8,3% so với cùng kỳ), kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 420 triệu USD.
Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL
Đặc biệt, tại tỉnh Kiên Giang, một số hộ dân ở địa phương này đã tự ý chuyển đổi 800 ha đất trồng lúa sang đào ao ương cá tra, nâng tổng diện tích nuôi cá lên hơn 1.300 ha. Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, ngay sau khi nhận được chỉ đạo từ Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh này đã ban hành 2 văn bản về quản lý hoạt động ương nuôi cá tra thì tình hình mới được kiểm soát. “Việc người dân tự phát ương, nuôi cá tra một cách ồ ạt, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất không theo quy định, chưa được tập huấn về kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm sản xuất, chưa có liên kết để tiêu thụ sản phẩm hoặc chưa nắm rõ quy luật cung cầu có thể tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định và bền vững của ngành hàng cá tra” – bà Khanh phân tích.
Mặc dù thả cá giống ồ ạt nhưng tại một số địa phương, tỉ lệ cá giống sống rất thấp. Chẳng hạn, tỉ lệ này tại Long An chỉ 3%-5%. “Các tỉnh có cơ sở sản xuất cá tra giống đạt chuẩn như An Giang và Đồng Tháp nên công bố danh sách kèm theo địa chỉ những cơ sở này để người dân ương cá giống biết để hạn chế thiệt hại” – bà Khanh nói. Theo ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, đề án giống cá tra 3 cấp do UBND tỉnh này đề xuất với Bộ NN-PTNT bước đầu cho kết quả khả quan. Trong đó, An Giang triển khai thử nghiệm 350 ha, Đồng Tháp 120 ha, Cần Thơ sẽ bố trí 80 ha làm con giống. Tuy nhiên đến nay, đề án cũng mới chỉ đáp ứng 50% con giống cho cả vùng. “50% còn lại cần được kiểm soát tốt để tránh người nuôi chịu thiệt hại nếu không may mua phải con giống trôi nổi bên ngoài không đạt chuẩn. Nên ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng vùng ương, cần thanh tra các hộ sản xuất giống tự phát sử dụng cá bố mẹ thương phẩm để cho sinh sản một cách tùy tiện” – ông Thư đề xuất.
Lo đối thủ cạnh tranh
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện toàn vùng ĐBSCL thả nuôi hơn 4.000 ha cá tra, đã thu hoạch hơn 2.500 ha với tổng sản lượng hơn 814.000 tấn. Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1.198 triệu USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc và Hồng Kông vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất nhưng đang có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, ngành hàng này tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn từ rào cản kỹ thuật của thị trường nhập khẩu. Ngày 17-3 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố 9 DN Việt Nam nằm trong nhóm hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu mức thuế chống phá giá cao kỷ lục (từ 3,87% lên 7,74% USD/kg), gây khó khăn cho các DN xuất khẩu. Xuất khẩu cá tra vào thị trường EU tiếp tục giảm sút do tác động từ các thông tin truyền thông bất lợi từ năm 2017, Ả Rập Saudi vẫn đang tạm dừng nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Việt Nam. Trong khi đó, khối các nước Hồi giáo vùng Trung Đông có nhiều quy định nghiêm ngặt và đặc thù về bao gói, chất lượng sản phẩm, quy trình nuôi theo tiêu chuẩn Halal, mật độ nuôi đến cách chế biến/giết mổ động vật và đòi kiểm soát luôn cả toàn chuỗi.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho hay việc bảo hộ mậu dịch đối với ngành sản xuất cá thịt trắng tại EU và cá da trơn tại Mỹ khiến DN phải đối mặt nhiều thách thức để duy trì xuất khẩu và tăng trưởng. Thị trường Trung Quốc và Hồng Kông dẫn đầu về nhập khẩu cá tra nhưng thiếu ổn định và rất dễ gặp rủi ro. “Hiện cá tra Việt Nam đang bị cạnh tranh bởi các sản phẩm cùng loại đến từ Indonesia và Bangladesh. Trong tương lai không xa, Trung Quốc cũng sẽ là đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về xuất khẩu mặt hàng này vì họ đã sản xuất được hơn 10.000 tấn cá nguyên liệu nhưng chưa chủ động được nguồn giống thả nuôi” – ông Quốc quan ngại.
Trước tình hình này, ông Quốc đề nghị các DN xuất khẩu cố gắng xây dựng các dòng sản phẩm cá tra phi lê chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm với những dòng sản phẩm giá trị gia tăng để tạo nên nét khác biệt. “Cần thiết phải có trung tâm logistics nghề cá cho ĐBSCL để đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Khi đó sẽ cạnh tranh về chi phí hiệu quả hơn, quy chuẩn chất lượng hàng hóa được quản lý thống nhất” – ông Quốc nêu ý kiến.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.