‘Cần giữ cầu Long Biên như một di sản sống’
Bảo tồn cầu Long Biên không phải là giữ nguyên những nhịp cầu sắt một cách cứng nhắc. Cần giữ nó như một di sản sống trong nhịp sống của Hà Nội, vì hơn hết, nó chính là ký ức, là kỷ niệm, là con người.
Biểu tượng không thể thay thế
Cầu Long Biên, cây cầu đầu tiên nối liền hai bờ sông Hồng với hơn một trăm năm tồn tại đã được nhiều thế hệ người Hà Nội mặc nhiên coi là một một biểu tượng đẹp của Thủ đô. Cây cầu ấy, dù chưa được công nhận là di tích nhưng lại gắn với nhiều dấu mốc lịch sử của dân tộc trong hai cuộc đấu tranh giải phóng đất nước.
Từ nhiều năm nay, cầu Long Biên được coi là một trong những biểu tượng của Thủ đô. Cũng từ nhiều năm nay, nhiều dự án muốn bảo tồn cây cầu như một di tích, xóa bỏ tính năng cây cầu dân sinh của cầu Long Biên đã đặt ra. Đối mặt với bài toán phát triển, một lần nữa, câu chuyện cầu Long Biên lại được đặt ra.
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nêu lên vấn đề di dời cầu Long Biên, xây dựng cầu mới đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối của dư luận.
Dù chưa được công nhận là di tích nhưng với hơn 100 năm lịch sử, trải qua nhiều sự kiện trọng đại, cầu Long Biên xứng đáng được ứng xử như một di sản
Ba phương án được Bộ này nêu ra để lấy ý kiến các bộ ngành liên quan sau khi đã nghiên cứu gồm:
Phương án 1: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn.
Phương án 2: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự cầu cũ như thiết kế ban đầu.
Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.
Phương án nào thì kinh phí di dời cũng gần 1000 tỷ, xây dựng cầu mới cũng chừng 9-10 ngàn tỷ. Chưa kể, theo GS-KTS Hoàng Đạo Kính thì cả 3 phương án đều phá hoại cây cầu có lịch sử hơn 100 năm này.
Theo GS Hoàng Đạo Kính, cầu Long Biên là một kỳ công xây dựng cũng như về kỹ thuật xây dựng cuối thế kỷ 19 nửa đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam. Trong khoảng thời gian đó chưa bao giờ có một công trình nào đồ sộ, phức tạp lại tiệm cận được với kỹ thuật xây cầu thế giới như vậy. Giá trị thứ hai, phải coi cầu Long Biên như một phần ký ức của lịch sử Hà Nội, của thành phố Hà Nội. Cây cầu này gắn liền với cuộc sống của Hà Nội với nhiều kỷ niệm, nhiều sự kiện lịch sử mà Hà Nội không thể quên. Và cầu Long Biên là một hình ảnh kiến trúc đô thị của Thủ đô. Nó gắn liền với khu phố cổ, khu phố cũ với những hình ảnh về Hà Nội mà ai cũng nhớ.
Cùng quan điểm, KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL) cho rằng: dù cầu Long Biên chưa được công nhận là di tích nhưng với hơn 100 năm lịch sử, trải qua nhiều sự kiện trọng đại, với dấu ấn đậm nét mà cây cầu để lại trong lòng người dân Việt Nam nói chung và người Thủ đô nói riêng thì đương nhiên phải ứng xử với cầu Long Biên như với một di sản. “Nó đâu chỉ phải là chuyện cây cầu. Nó còn là một di sản của tất cả chúng ta. Bất cứ người dân Việt Nam nào từng nghe, từng thấy nó đều đồng ý điều này”- ông Vinh nhấn mạnh.
KTS Trần Huy Ánh cũng khẳng định: “Cầu Long Biên không chỉ là cây cầu độc đáo của Việt Nam, nó còn là cây cầu độc đáo hiếm hoi trên thế giới. Chúng ta phải ứng xử với cây cầu như với một di sản sống trong lòng người Hà Nội”.
Đối xử thế nào cho phải?
Theo KTS Lê Thành Vinh, hiện các phương án của Bộ GTVT đưa ra chỉ lấy giao thông làm trọng mà xem nhẹ giá trị lịch sử của cây cầu. KTS Lê Thành Vinh nhận xét: “Người ta lấy giao thông làm đầu, rồi sau đó cố tính xem nên làm cái gì đó cho ra vẻ là bảo tồn. Nếu tiếp cận từ góc độ di sản thì phải lấy di sản làm cốt lõi. Di sản cầu Long Biên không chỉ là những nhịp cầu, kèm theo nó là vị trí, tỷ lệ, là khung cảnh vốn có đã tồn tại cùng với nó cả trăm năm nay. Cầu Long Biên còn là cả con đường đi từ Hàng Đậu lên, có hai hàng lan can gạch cũ. Cầu còn định hình tương quan với quy mô dòng sông tại điểm đó thế nào. Không thể rút cầu ra khỏi vị trí bây giờ mà bảo đấy là bảo tồn di sản được”, ông Vinh nói.
Cũng theo KTS Lê Thành Vinh, tốt nhất vẫn là để cầu tồn tại với những giá trị đã vắt qua cả thế kỷ trên dòng sông Hồng mà vẫn tham gia vào cuộc sống. “Và trên thực tế bây giờ, nó vẫn tham gia vào cuộc sống đương đại. Cần giảm tải chứ không phải chất tải thêm cho nó, như thế sẽ thuận tiện và phù hợp hơn. Nếu cần cho nhiều xe đi hơn thì làm những cây cầu ở vị trí khác”.
Chia sẻ quan điểm này, KTS Trần Huy Ánh cũng khẳng định rằng sau hơn một thế kỷ tồn tại với bao thử thách, cây cầu đang đứng trước thời khắc đầy khó khăn: cũ kỹ, ọp ẹp giữa Hà Nội ngổn ngang khi áp lực giao thông đô thị gia tăng hàng ngày song các phương án liên quan đến cầu đều không thỏa mãn cả về yếu tố dân sinh cũng như giá trị lịch sử tinh thần vốn có của công trình này.
Cùng quan điểm này, KTS Lê Thành Vinh cho rằng, dù không danh hiệu, cầu Long Biên vẫn là di tích lịch sử, là di tích kiến trúc, là thành tố của di sản đô thị. Vì thế, không thể thay mới, mở rộng vì như thế sẽ phá vỡ cấu trúc vốn có của cầu. Nó cũng cần phải được giữ trong khung cảnh nó đứng, với những con đường đến với nó, rồi từ nó tỏa đi. Ông Vinh khẳng định: “Bảo tồn cầu Long Biên không phải là giữ nguyên những nhịp cầu sắt một cách cứng nhắc. Cần giữ nó như một di sản sống trong nhịp sống của Hà Nội, vì hơn hết, nó chính là ký ức, là kỷ niệm, là con người. Điều này cao hơn tất cả. Thay đổi nó đi là tước hết những ký ức của những tháng năm lịch sử đi cùng với cây cầu”.
Nhớ lại năm 2011, bà Nguyễn Nga- kiến trúc sư qui hoạch đô thị Paris, người từng hai lần tổ chức Festival cầu Long Biên đề xuất biến cầu trở thành bảo tàng sống khi đó cũng phải đối mặt với bao búa rìu dư luận. Bởi lẽ việc đầu tư cải tạo nâng cấp cây cầu đang xuống cấp sau hơn một thế kỷ phong trần với nắng gió khắc nghiệt của miền nhiệt đới là ý tưởng tốt song phương án nâng cầu lên cao thêm 3m và bọc kính đồng thời loại cây câu ra khỏi trục giao thông hiện tại đã không nhận được sự đồng tình của dư luận lúc ấy.
GS Nguyễn Lân, Tổng Thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam khi ấy đã nhấn mạnh rằng “cây cầu là một phần ký ức lịch sử vì thế tất cả những can thiệp mới đến kiến trúc này càng ít càng tốt”. Cũng tại thời điểm đó hàng loạt các ý kiến phản đổi việc loại cây cầu ra khỏi trục giao thông, biến cây cầu Long Biên đã bao năm gắn bó với lịch sử, với các biến cố thăng trầm của Hà Nội trở thành một cây cầu “chết”… đã đánh tan mọi ý tưởng, dự án liên quan đến việc cải tạo cầu. Và tiếc thay, cũng từ đó đến nay, công trình kiến trúc ấy lại tiếp tục chìm trong khu xóm tạm, nhếch nhác ven sông.
Có những di sản không cần phải có bằng chứng nhận, nhưng nó vẫn là một tượng đài trong lòng của đại đa số người dân, vẫn là một biểu tượng mà không gì có thể thay thế. Vấn đề là làm thế nào để phát huy giá trị của cây cầu, khi nó đã gần như hoàn tất sứ mệnh cây cầu giao thông. Bởi vậy, xin đừng vội vàng trong ứng xử với cầu Long Biên./.
Nguồn Tổ quốc
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.