Cần nhiều giải pháp ‘gỡ khó’ cho xuất khẩu thủy sản

Mặc dù là ngành góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu với những con số ấn tượng, nhưng xuất khẩu thủy sản đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngay từ khi con tôm, con cá chưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

xk_thuy_san_QZTW
Năm 2017 xuất khẩu thủy sản cán đích với trên trên 8,3 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2016
Đối mặt với ‘buôn lậu cá tra và truy nguyên nguồn gốc

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2017 xuất khẩu thủy sản của cả nước cán đích với trên trên 8,3 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2016. Trong đó, tôm chiếm tỷ trọng chi phối (46%) tăng 22% đạt trên 3,85 tỷ USD.

Mặc dù xuất khẩu tôm sang Mỹ sụt giảm vì thuế chống bán phá giá tăng cao (từ 1,16 % lên 1,42% cho đợt rà soát hành chính lần thứ 9 – POR9), đồng USD mất giá, khó cạnh tranh với các nước khác như Ấn Độ… nhưng xuất khẩu sang châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đều tăng trưởng mạnh.

Mặt hàng cá tra dù gặp trở ngại ở cả 2 thị trường chủ lực là EU và Mỹ, nhưng vẫn đạt “kỳ tích” gần 1,79 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2016. Cá tra (chiếm 21%) đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng gần 4%.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc còn nhiều bất cập vì quy định doanh nghiệp xuất khẩu và sản phẩm xuất khẩu phải nằm trong danh mục những nhà sản xuất thủy sản được Trung Quốc công nhận.

“Việc không quản lý chặt chẽ chất lượng cá tra xuất khẩu đi Trung Quốc (đang được gia công, chế biến tràn lan) sẽ gây tổn hại đến uy tín chất lượng cá tra Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu khác”, ông Trương Đình Hòe nhận định.

VASEP cho biết, có hơn 50% các tra xuất khẩu sang Trung Quốc là qua được chính ngạch, còn lại hơn 40% xuất khẩu qua đường tiểu ngạch (đường bộ, đường biên giới). Giá cả đi qua đường tiểu ngạch đang chênh so với đường chính ngạch khoảng 1 USD/kg.

Bên cạnh đó, theo ông Trương Đình Hoè, các yêu cầu thực hiện của IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo theo quy định) đang và sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thủy sản (bao gồm cả hải sản khai thác và thủy sản nuôi) sang các thị trường lớn trên thế giới, trước hết là thị trường EU và Mỹ. Ngày 23/10/2017, EU đã ban hành cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam, dù chúng ta đã nỗ lực áp dụng các quy định IUU của EU từ đầu năm 2010.

Mỹ cũng có quy định về việc các nước xuất khẩu thủy sản (13 loài, trong đó có tôm) phải tuân thủ các yêu cầu nhằm chống lại khai thác bất hợp pháp IUU từ ngày 1/1/2018.

Song song đó là các yêu cầu “truy nguyên nguồn gốc” đã được luật hóa trong lĩnh vực kiểm soát an toàn thực phẩm, gắn liền với ngành sản xuất và chế biến thủy sản.

“Một trong các yếu tố quan trọng để bảo đảm tuân thủ các yêu cầu về IUU chính là bảo đảm hiệu quả của công tác truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, cơ sở cho hoạt động truy xuất nguồn gốc trong ngành thủy hải sản của Việt Nam, chính là cơ sở dữ liệu, vẫn tiếp tục được khuyến cáo cần phải xây dựng, khắc phục và cải thiện,  nhất là đối với chuỗi cung ứng tôm và hải sản khai thác”, ông Trương Đình Hoè nói.

Để việc xuất khẩu cá tra ổn định và đạt kim ngạch xuất khẩu dự kiến trên 1,8 tỷ USD, cần các giải pháp quản lý chặt chẽ, đồng bộ

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Trước tình hình trên, theo Tổng Thư ký VASEP, để việc xuất khẩu cá tra ổn định và đạt kim ngạch xuất khẩu dự kiến trên 1,8 tỷ USD, đồng thời tránh những hậu quả như phụ thuộc vào thị trường… cần các giải pháp quản lý chặt chẽ, đồng bộ.

Theo đó, VASEP kiến nghị Chính phủ xem xét và chỉ đạo thực hiện quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu đi Trung Quốc bằng đường bộ thông qua việc cấp và kiểm tra bắt buộc Chứng thư chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi xuất khẩu. Đồng thời kiến nghị Chính phủ có chương trình kiểm tra điều kiện sản xuất của các cơ sở gia công, sơ chế thủy sản xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc hiện nay để bảo đảm chất lượng thủy sản xuất khẩu.

Tại Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu diễn ra sáng 23/4, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, ngành thủy sản Việt Nam nói riêng và thị trường xuất khẩu nói chung đang vấp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là xu hướng bảo hộ. Đặc biệt là, lần đầu tiên sau rất nhiều năm, Mỹ mới lại áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu trong thương mại (đối với máy giặt).

“Mức thuế chống bán phá giá cá tra, cá basa mới được công bố gần đây cũng cao một cách bất thường, có thể nói là bảo hộ quá mức”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Người đứng đầu ngành Công Thương đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu áp dụng việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho cả các lô hàng thủy sản xuất khẩu dưới hình thức tiểu ngạch, bảo đảm uy tín cho thủy sản của Việt Nam.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khó khăn trong thương mại toàn cầu năm nay và những năm tiếp theo luôn hiện hữu do căng thẳng ở nhiều quốc gia, khu vực, trong đó có nguy cơ của một cuộc chiến thương mại.

Với xu hướng bảo hộ gia tăng, nhất là những tháng đầu năm 2018, chúng ta cần nắm bắt vấn đề này để đa dạng hóa trong xuất khẩu. Các nước nâng các tiêu chuẩn, đặc biệt đối với nông sản, thực phẩm, kể cả quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp, truy xuất nguồn gốc, dư lượng kháng sinh, bảo vệ thực vật ngày càng khắt khe hơn.

Thủ tướng cũng lưu ý: “Sản xuất mà không quản lý tốt khâu đầu vào này để có nền nông nghiệp sạch thì khó xuất khẩu”.

Nguồn VGP