Cần thông tin rộng rãi đến toàn dân về quy hoạch đất

Trong đợt lấy ý kiến toàn dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này, nhiều ý kiến của người dân kiến nghị rằng, các nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cần thông tin rộng rãi đến nhân dân.

 

 Quy hoạch chi tiết và thông tin rộng rãi tới toàn dân sẽ góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất trong bối cảnh hiện nay (Ảnh minh họa: HNV)


Người dân và chính quyền địa phương cần được cung cấp đầy đủ thông tin, lấy ý kiến và đạt được sự đồng thuận trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Thực tế cho thấy việc không cung cấp thông tin và bàn bạc với người dân về qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong khi những quy hoạch, kế hoạch đó ảnh hưởng lớn tới nguồn sống của nhân dân. Đơn cử như quy hoạch phát triển một tổ hợp thể thao, văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái, kết hợp nuôi trồng thủy sản tại xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Nhân sự việc này, người dân đã cho biết, họ không biết về quy hoạch ở khu vực này. Ông Bùi Đình Thi, thôn Đồng Hòa chia sẻ, định làm dự án gì thì phải cho người dân biết vì đây là rừng phòng hộ, là nguồn nước sinh sống của cả 9 thôn ở đây.

Có ý kiến cũng đề nghị, việc quy hoạch sử dụng đất lâm trường cũng cần phải tính đến quyền lợi của người dân. Quảng Bình là một địa phương có diện tích đất rừng khá lớn so với nhiều địa phương cả nước. Tại tỉnh Quảng Bình, việc tham vấn cộng đồng về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này cũng cho thấy người dân không được tham gia vào quá trình lập quy hoạch sử dụng đất. Bà Hồ Thị Con, người dân bản Bên Đường, xã Trường Sơn, huyện Tuyên Hóa tâm sự: “Người ta bảo đất là vàng. Nhưng vàng là kim loại, có ăn được đâu. Có đất thì mới trồng được cây để có cái ăn. Dân không cần giúp gạo, mà cần nhà nước tạo điều kiện cho dân có đất, để tự làm ra cái ăn. Cây thì dân cũng trồng, lâm trường cũng trồng. Vì sao chỉ lâm trường được trồng cây mà dân không được trồng. Như thế là không công bằng”.

Phân tích về thực trạng nhiều người dân, đặc biệt là dân nghèo không được biết về các quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, ông Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), cho hay, đây là điều khiến người dân hoang mang không yên tâm sản xuất, thậm chí có những người dân phản ứng gay gắt với chính quyền địa phương.

Một thực tế cũng chỉ ra, giá đất do nhà nước quyết định thiếu thống nhất, giá đất xác định khi thu thuế về đất đai lại cao hơn giá đất xác định khi tính toán bồi thường đối với đất bị nhà nước thu hồi. Đây chính là lý do dẫn tới nhiều khiếu kiện của người dân về đất đai như thế này. Đề cập đến nội dung này, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, mâu thuẫn cơ bản trong sử dụng đất nông, lâm nghiệp hiện nay là việc các nông, lâm trường quốc doanh có quyền sử dụng đất đai rộng lớn, trong khi người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất nghiêm trọng. Riêng về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cách tính giá bồi thường khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp hiện nay chưa phù hợp với giá trị sử dụng đất. Ở Hòa Bình, đất nông nghiệp loại 2 được bồi thường 55.000 đồng/m2 “chỉ bằng trồng rau muống trong vòng một năm”.

Bởi thế, nhiều đề xuất cần bổ sung 2 điều trong Chương V của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Theo đó, đối với đất đai mà nông, lâm trường quốc doanh sử dụng không đạt năng suất và sản lượng trung bình của sản xuất tại địa phương thì nhà nước thu hồi và giao cho các hộ gia đình, cá nhân thiếu đất sản xuất ở địa phương. Đây là nguồn đất đai để bảo đảm đất sản xuất, đất ở cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương. Hay như đối với Điều 107, đề nghị bổ sung các nguyên tắc về định giá đất: phải có sự tham khảo ý kiến đóng góp của người dân; đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch và được giám sát và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác các thông tin về giá đất. Cơ quan định giá đất và phê duyệt giá đất cần phải độc lập với cơ quan ra quyết định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất.

Đối với những hộ thiếu đất sản xuất, đất ở thuộc diện được giao đất lần thứ hai không thu tiền sử dụng đất thì đất đó được giao cho cộng đồng để quản lý và cộng đồng quyết định giao cho các thành viên có nhu cầu để sử dụng theo các luật tục của cộng đồng.

Chỉ ra một số bất cập trong quy hoạch, thu hồi hiện nay, ông Bert Maerten, đại diện Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng, việc thu hồi đất nông nghiệp mà không qua một quy trình minh bạch, không đền bù thỏa đáng và không có cơ hội lựa chọn kế sinh nhai thay thế sẽ đẩy người dân quay lại nghèo đói. Người nghèo, nhóm người yếu thế và cộng đồng bị tác động nhiều nhất bởi những thiếu sót trong các chính sách về đất đai, tham nhũng và lạm dụng. Vì vậy, nhà nước cần bảo đảm quỹ đất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng ổn định lâu dài. Nhà nước thực hiện việc giao đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản cho cộng đồng các dân tộc thiểu số để quản lý, bảo vệ và sử dụng phù hợp với phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số./.