Cẩn trọng với dịch vụ cho vay tài chính
Càng sát dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng tiền của người dân càng tăng cao. Nắm bắt tâm lý này, các loại hình dịch vụ cho vay tài chính như cho vay, trả góp không thế chấp; hỗ trợ, tư vấn cho vay tiền lãi suất thấp,… đua nhau quảng cáo rầm rộ. Nếu không cẩn trọng, người tiêu dùng rất dễ “sập bẫy” các loại hình dịch vụ này. |
Đa dạng loại cho vay tài chính Tại cửa hàng cho vay không thế chấp Long Hải trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội), người vay tiền được nhân viên tư vấn: “Muốn vay hơn 100 triệu đồng phải có giấy tờ xe chính chủ kèm theo giấy chứng minh nhân dân để làm các thủ tục, ký kết hợp đồng. Nếu là xe ô-tô, phải có mặt cả hai vợ chồng để làm thủ tục công chứng bán xe cho công ty. Sau khi làm xong bước này, người vay sẽ ký hợp đồng thuê lại xe với mức phí 3,5 nghìn đồng/một triệu đồng/ngày, thời hạn vay tối đa không quá ba tháng. Khi hết thời hạn vay, nếu khách vẫn có nhu cầu sử dụng thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền cả gốc lẫn lãi, sau đó mới được gia hạn vay tiếp. Với thủ tục nhanh chóng, thuận tiện, khách hàng vẫn được sử dụng tài sản của mình nên công ty đã giải ngân hàng chục tỷ đồng cho các khách hàng trên địa bàn, nếu có nhu cầu, anh chỉ cần đáp ứng một vài điều kiện trên là có thể cầm khoản tiền theo mong muốn chỉ sau một, hai giờ đồng hồ – nhân viên cửa hàng nhấn mạnh. Vay tiền từ các dịch vụ cho vay tài chính rất nhanh gọn nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro với khách hàng. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG Tương tự, tại một địa điểm cho vay không thế chấp trên phố Bà Triệu (quận Hà Đông, Hà Nội) nhân viên cho biết, muốn vay bao nhiêu tiền cũng được. Hiện tại trung tâm đang khuyến mại giảm lãi phí 15%, xuống còn ba nghìn đồng/một triệu đồng/ngày. Hết thời hạn này sẽ lên mức 3,5 nghìn đồng. Đáng lưu ý là cơ sở này hỗ trợ cho vay đến 99% giá trị ô-tô, xe máy mà không giữ tài sản của khách. Tuy nhiên, khách vay phải đặt lại giấy tờ gốc, giấy đăng ký xe, bằng lái xe phô-tô-cóp-pi và chứng minh thư nhân dân. Tiếp đến phải làm hợp đồng mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng có công chứng và khách phải ký hợp đồng thuê lại phương tiện, tài sản. Thời gian giải quyết rất nhanh gọn, cần tiền, cứ gọi điện trước một vài tiếng, sau đó đến ký một vài giấy tờ, nhận tiền trong chưa đầy 30 phút. Khác với chiêu thức ở các cửa hàng cho vay không thế chấp, tại trung tâm cho vay, hỗ trợ tài chính Hùng – Cường (quận Thanh Xuân, Hà Nội), đại diện cơ sở tên Minh cho biết, trung tâm cho vay mức giá ưu đãi là ba nghìn đồng/một triệu đồng/ngày. Muốn vay một tỷ đồng phải có tài sản tương ứng đặt lại, bởi ở đây cho vay có thế chấp tài sản. Tôi tỏ vẻ khó khăn, cố cò kè xuống hai nghìn đồng/một triệu đồng/ngày, Minh liền tỏ ra thông cảm và nhấn mạnh: “Do lần đầu làm ăn, hợp tác với nhau nên giảm xuống còn hai nghìn đồng. Vay một tỷ đồng, tiền lãi là hai triệu đồng/ngày, một tháng mất 60 triệu đồng, vay trong ba tháng mất tổng cộng 180 triệu đồng tiền lãi. Lấy tiền ngay, em về mang xe đến để làm các thủ tục. Minh nói: “Trung tâm chỉ cầm xe chính chủ, loại khác thì chịu”. Tôi quay sang xin đặt sổ đỏ căn nhà mà mình đang ở, Minh cho biết: “Bọn này chỉ cầm những căn nhà có giá trị tương tự số tiền muốn vay. Sau khi xuất tiền, bên em phải trao chìa khóa cho bên anh toàn quyền sử dụng, nắm giữ, và bên em không còn gì dính dáng đến nó nữa. Đồng ý thì làm ngay các thủ tục chuyển nhượng, thế chấp vay vốn mà lấy tiền”. Vị đại diện cơ sở này cũng cho biết: “Đặc điểm làm ăn bên anh không bao giờ thích cầm cố những tài sản có giá trị cao hơn nhiều lần so với số tiền khách vay. Vì như vậy, khi có vấn đề gì xảy ra rất khó xử lý. Do đó, tốt nhất chỉ cầm những tài sản có giá trị tương đương hoặc nhỉnh hơn một chút là được. Còn trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu có vấn đề gì em cứ a-lô cho anh, mọi cái đều có thể đàm phán, giải quyết. Trung tâm làm ăn uy tín, không giống như những chỗ khác khi cầm tài sản của khách, quá thời hạn không thấy đến là thông báo và bán tài sản thu hồi tiền vay của khách ngay lập tức”?! Cân nhắc khi đặt bút ký Sự xuất hiện các loại hình cho vay tài chính có thể giúp người dân bớt gặp khó khăn trong giải quyết công việc mang tính gấp rút, tức thời, nhưng đằng sau nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Anh Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu thiết bị phụ tùng công nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội cho biết, do cần gấp ba tỷ đồng để đầu tư kinh doanh nên anh phải nhờ người quen giới thiệu, bảo lãnh “vay nóng” từ một trung tâm cho vay tài chính với mức lãi hai nghìn đồng/một triệu/ngày, thời hạn một tháng. Gần đến hạn trả tiền vay, do nguồn tiền từ các đối tác chưa kịp chuyển về, anh Tiến buộc phải tìm đến trung tâm để đàm phán, xin gia hạn vay nhưng họ không đồng ý và buộc phải thanh toán đầy đủ trong thời gian do họ ấn định. Nếu không sẽ bị tịch thu toàn bộ nhà cửa và các giấy tờ liên quan đất đai. Trước sức ép như vậy, anh Tiến mất ăn, mất ngủ gần tuần liền vì thường xuyên bị dọa nạt, đòi tịch thu, phát mại tài sản để thu hồi khoản nợ. Sau đó, anh Tiến phải chấp nhận chịu mức lãi suất “cắt cổ” ở chỗ khác để vay tiền đắp vào trả nợ và đợi làm thủ tục vay vốn ngân hàng nhằm thanh toán dứt điểm các khoản “tín dụng đen” ngoài xã hội. “Qua lần đó, tôi “cạch đến già” và không bao giờ nghĩ tới việc vay tiền kiểu này nữa” – anh Tiến khẳng định. Nhìn nhận vấn đề trên, luật sư Nguyễn Văn Nghi, đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, bên cạnh sự thỏa thuận ngầm, cho vay với lãi suất cao,… thời gian gần đây xuất hiện thêm những chiêu trò mới, như bên vay muốn vay được tiền phải gán “sổ đỏ”, động sản, làm thủ tục chuyển nhượng có công chứng dẫn đến các đối tượng cố tình sang tên, chuyển nhượng bất động sản, động sản cho bên thứ ba ngay khi thỏa thuận dân sự hai bên vẫn còn hiệu lực. Do đó, nếu người dân không cẩn thận rất dễ mất trắng tài sản mà các đối tượng xấu cố tình lừa đảo. Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Tiến Đông cho biết thêm, thủ tục vay đơn giản, không đòi hỏi tài sản thế chấp mà các công ty tài chính tung ra trong thời gian gần đây, đã dần thu hút được lượng lớn khách hàng, nhất là những đối tượng không đủ điều kiện vay vốn tại ngân hàng. Tuy nhiên, những vụ khiếu nại liên quan mức lãi suất quá cao của các khoản vay đã ít nhiều làm mất đi hình ảnh và uy tín của các công ty tài chính. Không ít công ty đã lợi dụng sự dễ dãi, thiếu hiểu biết của khách hàng để cài vào hợp đồng tín dụng những điều khoản thiếu minh bạch nhằm gây bất lợi cho khách hàng. Để tránh rủi ro, người vay tiền nên thận trọng trước khi ký kết hợp đồng. Khi ký hợp đồng vay vốn, người vay nên cẩn trọng với những thông tin về thời hạn khoản vay, khoản trả góp hằng tháng, các quy định cụ thể của hợp đồng và chi phí phát sinh nhằm bảo đảm khoản tiền phải chi trả hằng tháng nằm trong khả năng tài chính của mình,… Hiện còn không ít cơ sở lợi dụng kẽ hở của pháp luật cũng như sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết của người dân nhằm thu lời bất chính, cưỡng đoạt trái phép tài sản của người dân. Chính vì vậy, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, tránh sập bẫy tín dụng mà các đối tượng xấu cố tình giăng ra. Nguồn Nhân dân |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.