Căng thẳng chuyện năng lượng
Dù chưa đến mức bị khủng hoảng năng lượng nhưng trong mấy tuần qua, cả châu Âu lạnh cóng căng thẳng vì khí đốt và điện chập chờn, giá cả tăng vọt
Dòng xoáy nghịch không khí lạnh đến từ Siberia khiến nhiều nước châu Âu tiêu thụ năng lượng ở mức kỷ lục. Nhu cầu các loại năng lượng, đặc biệt là khí đốt, gia tăng rất mạnh. Tuần rồi, các nước châu Âu yêu cầu tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom, nhà cung cấp 1/4 khí đốt cho toàn châu Âu, tăng thêm 50% lượng khí đốt nhưng không được đáp ứng.
Căng thẳng khí đốt
Trước tình hình kể trên, Thủ tướng Nga Vladimir Putin chỉ đạo Gazprom ưu tiên cho nhu cầu trong nước bởi chỉ còn vài tuần nữa cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra (4-3). Ông đang đối mặt với thử thách mới khắc nghiệt hơn khiến không nắm chắc phần thắng như các lần trước. Ông Putin không thể mạo hiểm để cử tri than phiền thiếu khí đốt trong thời khắc nhạy cảm này.
Hồi đầu tháng, Ý, Áo, Pháp và một số nước châu Âu khác nói họ bị cắt bớt 30% khí đốt đến từ nước Nga. Họ buộc phải sử dụng nguồn dự trữ khí đốt (chỉ đủ dùng trong 30 ngày) để tránh một cuộc khủng hoảng năng lượng. Gazprom thừa nhận sự cố. Thoạt đầu họ cắt giảm nguồn khí đốt 9 nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) và mới đây đã cung cấp trở lại ở mức bình thường 6 nước. Người phát ngôn của Ủy ban Năng lượng châu Âu tuần rồi đã xác nhận Bulgaria, Cộng hòa Czech, Áo, Hungary, Ba Lan và Hy Lạp đã nhận được lượng khí đốt của Nga như bình thường.
Vấn đề là mức tiêu thụ ở các nước EU hiện tăng lên 30%, vượt quá năng lực của Gazprom, theo ông Andrey Kruglov, Phó Tổng Giám đốc Gazprom. Ông cho biết trong năm 2012, Gazprom sẽ tăng thêm 154 tỉ m3 khí đốt, nhiều hơn năm ngoái 4 tỉ m3.
Tiêu thụ điện tăng kịch trần
Giá rét bất thường khiến cả châu Âu ngốn điện chưa từng thấy. Tất cả các nhà máy điện ở châu Âu từ điện hạt nhân, điện khí, điện than đến điện diesel (trừ thủy điện vì nước các hồ chứa đã đóng băng) đều chạy hết công suất thiết kế.
Trong khi đó, thách thức lớn nhất của ngành điện là hệ thống đường dây truyền tải điện có nguy cơ sụp đổ dưới lớp tuyết và băng giá. Tình trạng này đã xảy ra ở Bosnia khiến 15.000 hộ ở Đông-Nam nước này sống thầm trong hai tuần qua. Công ty Điện Bosnia EPBiH cho biết bộ phận bảo trì thường xuyên có 300 công nhân làm việc rất vất vả nhưng vẫn không xuể bởi vì nhiều nơi tuyết dày đến 2 m!
Tại Serbia, Petar Scundric, cố vấn chính phủ về năng lượng, tuyên bố cắt giảm 10% mức tiêu thụ điện “để tránh sụp đổ toàn mạng lưới điện”. Theo ông Scundric, chỉ trong vòng một tuần, Serbia đã phá vỡ 6 kỷ lục lịch sử về tiêu thụ và sản xuất điện. Để tiết kiệm điện, ông đã yêu cầu chính quyền tuyên bố tuần lễ từ 15-2 đến 20-2, toàn dân được nghỉ làm việc. Mức tiêu thụ điện gia tăng khắp châu Âu do người dân sử dụng lò sưởi điện quá nhiều.
Tại Pháp, tuy độ lạnh không bằng các nước Đông Âu, chỉ vào khoảng –9ºC ở vùng Alsace, nhưng mức tiêu thụ điện cũng liên tục lập kỷ lục. Cụ thể đêm 7-2 vào giờ cao điểm 19 giờ, cả nước Pháp tiêu thụ 100.710 megawatt (MW) nhiều hơn 3.750 MW so với kỷ lục năm 2010. Với 32,5% (gần 10 triệu) căn hộ cá nhân và tập thể dùng lò sưởi điện, khi nhiệt độ hạ thấp 1ºC thì mức tiêu thụ điện tăng trung bình 2.300 MW.
Giá tăng chóng mặt
Một hệ quả không vui: Giá điện và khí đốt đều tăng do cung không đủ cầu. Trong khi giá khí đốt của Gazprom là 410 USD/1.000 m3 thì trong hai tuần qua các công ty phân phối lại khí đốt Gazprom ở châu Âu đều tăng giá bán khí đốt. Giá của Công ty Khí đốt CEGH đặt tại Baumgarten ở Áo chẳng hạn đã tăng 33% hồi đầu tháng 2. Giá khí đốt của các công ty ở Đức và Hà Lan cũng tăng tương tự.
GDF-Suez, công ty khí đốt Pháp, cho biết tuần rồi phải trả cao hơn 48% khi mua khí đốt không phải của Nga để bổ sung vào phần thiếu hụt. Có lúc GDF-Suez phải trả cao hơn bình thường 52%, mức giá kỷ lục kể từ năm 2008.
Trong lĩnh vực điện cũng vậy, hãng tin Reuters cho biết ngày 9-2, giá điện trong giờ cao điểm (8 giờ đến 20 giờ) ở Pháp lên đến 628 euro/MW cao gấp 4 lần so với ngày 8-2.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.