Căng thẳng Nga – Ukraine leo thang: Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vào cuộc
Ngày 26-11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký sắc lệnh ban hành thiết quân luật trong 60 ngày trên toàn quốc. Cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cũng tổ chức một cuộc họp khẩn theo đề nghị của cả Nga và Ukraine sau khi lực lượng Nga nổ súng và bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine tại biển Đen.
Hai bên đều có lý lẽ riêng
Theo trang mạng của Văn phòng Tổng thống Ukraine, tình trạng thiết quân luật sẽ có hiệu lực từ 15 giờ, giờ địa phương ngày 26-11 đến 15 giờ ngày 25-1-2019 (giờ Moscow). Theo đó, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine sẽ được giao các nhiệm vụ như tổ chức hoạt động phòng không để bảo vệ những mục tiêu trước các vụ tấn công trên không, huy động thêm quân số cùng nhiều biện pháp khẩn cấp khác. Quốc hội Ukraine dự kiến đưa ra thảo luận sắc lệnh trên sau đó cùng ngày.
Sắc lệnh được ký chỉ vài giờ sau khi Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) rạng sáng cùng ngày xác nhận các tàu tuần tra biên giới của nước này đã bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine tại biển Đen gần bán đảo Crimea vào hôm 25-11, và đã sử dụng vũ khí để buộc các tàu này dừng lại. FSB giải thích rằng những tàu Ukraine này đã đi vào lãnh hải Nga một cách bất hợp pháp, phớt lờ những cảnh báo và có các hoạt động gây nguy hiểm.
FSB khẳng định phía Ukraine đã không nộp đơn đề nghị cho tàu của họ được đi qua eo biển Kerch trên biển Azov. Ngoài ra, theo FSB, có 3 thủy thủ Ukraine đã bị thương trong vụ việc trên và đã được chăm sóc y tế. Hoạt động lưu thông qua eo biển Kerch đã trở lại bình thường sau một ngày bị phong tỏa vì lý do an ninh.
Ngày 26-11, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết, Kiev đã đề nghị cung cấp hỗ trợ y tế khẩn cấp cho những người bị thương và đảm bảo 23 thủy thủ trở về nhà an toàn ngay lập tức, trong đó có 6 người bị thương (theo xác nhận của Ukraine). Ukraine cũng đề nghị Nga bồi thường thiệt hại do vụ việc gây ra. Ukraine cho biết nước này đã thông báo trước với Nga về lộ trình trên biển của các tàu chiến trên.
Theo hãng tin Sputnik, những diễn biến trên được xem là bước gia tăng đối đầu trong cuộc xung đột dai dẳng giữa Nga và Ukraine, có nguy cơ đẩy hai nước tới bờ vực của cuộc đụng độ quân sự quy mô lớn. Ukraine cũng hối thúc các đồng minh và đối tác của nước này đưa ra các biện pháp cần thiết phù hợp, cũng như cung cấp cho Ukraine viện trợ quân sự nhằm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nước này trong những khu vực biên giới được quốc tế công nhận.
Ukraine nhắm tới NATO
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hối thúc xoa dịu căng thẳng giữa Nga và Ukraine trên biển Đen. Tuyên bố của EU và NATO bày tỏ hy vọng Nga khôi phục tự do đi lại tại eo biển Kerch và hối thúc các bên “hành động với sự kiềm chế tối đa nhằm xoa dịu tình hình ngay lập tức”.
Theo giới quan sát, thực ra, hai bên đã hục hặc từ nhiều tháng qua về quyền tiếp cận biển Azov. Nga và Ukraine vào năm 2003 ký một hiệp ước công nhận eo biển Kerch và biển Azov là vùng lãnh hải chung. Nga đã xây dựng một cây cầu trị giá 3,69 tỷ USD tại eo biển này sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Tổng thống Nga Vladimir Putin dự lễ khánh thành cầu hồi tháng 5. Nhưng kể từ đó, Ukraine cáo buộc Nga bắt đầu tăng cường hoạt động kiểm soát ở khu vực này.
Ngày 22-11, Tổng thống Poroshenko khẳng định, nước này cần phải gia nhập NATO và EU, vì điều này giúp Ukraine dứt khoát chia tay với Nga. Cách đây vài ngày, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố bày tỏ đặc biệt lo ngại trước việc Ukraine tuyên bố thành lập căn cứ hải quân ở Berdyansk và đóng cửa một số khu vực của biển Azov để bắn pháo.
Theo phía Nga, các động thái này nhằm mục đích quân sự hóa biển Azov và Moscow lấy làm tiếc vì chính sách đối đầu của Kiev nhằm gây bất ổn mối quan hệ Nga – Ukraine đang nhận được sự ủng hộ của nhiều nước, trong đó có các nước thành viên của EU. Moscow cảnh báo Kiev tránh bất cứ hành động phiêu lưu nào nhằm đơn phương thiết lập đường biên giới quốc gia tại biển Azov, mà không được Nga công nhận.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.