Cảnh báo bệnh viêm não vào mùa
Mấy ngày qua, ghi nhận từ các bệnh viện trên địa bàn TPHCM cho thấy có sự gia tăng các ca bệnh viêm não. Điều đáng lo ngại là những triệu chứng ban đầu của viêm não rất giống với các bệnh truyền nhiễm thông thường khác và chỉ được phát hiện bằng việc xét nghiệm, nên hậu quả để lại nghiêm trọng.
Nhiều ca bệnh nguy kịch
Ngày 29-6, tại Khoa Hồi sức tích cực Nhiễm – Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) có hàng chục bệnh nhi nặng đang được điều trị tích cực. Nằm tại giường số 9, bệnh nhi K. Siơn (11 tuổi, ngụ Gia Lai) đôi mắt mở to, vô hồn. Bé nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, hôn mê, co giật, phải đặt ống nội khí quản, tổn thương não nặng. Chị K. Hơlia (mẹ bệnh nhi K. Siơn) sụt sùi kể, cuối tháng 5, bé K. Siơn bị sốt, sau 3 ngày uống thuốc không hết, chị đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Gia Lai và ngay sau đó được chuyển xuống cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Rồi từ đó đến nay, con trai chị phải sống phụ thuộc vào máy thở.
BS-CKII Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhiễm – Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), cho hay, qua khai thác bệnh lý, người nhà bệnh nhi K.Siơn cho biết, bé chưa được tiêm vaccine phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản. “Bệnh nhi K. Siơn đã thoát “cửa tử”. Hiện bé đã tỉnh táo hơn nhưng vẫn phải thở máy liên tục, dùng thuốc chống phù não, chống co giật, điều trị tăng áp lực nội sọ”, bác sĩ Sơn nói.
Tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) và Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, trong 2 tháng qua cũng đã ghi nhận sự gia tăng số trẻ mắc bệnh lý nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, trong đó điển hình là viêm não Nhật Bản, viêm màng não và bệnh não mô cầu, đến khám và nhập viện điều trị. Riêng trong tuần thứ 3 của tháng 6, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM tiếp nhận hơn 10 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản, viêm màng não. Trước đó, trung bình mỗi tuần 2 bệnh viện này tiếp nhận điều trị chỉ từ 2-3 ca bệnh. Hầu hết ca bệnh được chuyển viện từ các địa phương: Long An, Trà Vinh, Bến Tre, Đắk Lắk, Gia Lai…
Mới nhất, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận một số bệnh nhi bị viêm não. Trong đó, có bệnh nhi 4,5 tháng tuổi (ngụ Bình Chánh) mắc bệnh não mô cầu nặng, do tình trạng thiếu máu nuôi và hoại tử mô nên các bác sĩ phải đoạn chi (từ phần gối bên trái, một số ngón tay trên 2 bàn tay) mới cứu được.
Di chứng lâu dài
BS-CKII Phạm Thái Sơn lưu ý, từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, bệnh viêm não Nhật Bản có xu hướng “tấn công” trẻ nhỏ, nhiều nhất là trẻ từ 5-15 tuổi. Đây là căn bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu, có tỷ lệ tử vong và để lại di chứng cao ở trẻ em (25%-35%). Bệnh viêm não Nhật Bản là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng của não do virus thuộc họ flavivirus có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng, bệnh Zika… gây ra. Bệnh phổ biến vào mùa hè, thời tiết mưa nắng thất thường tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và lây nhiễm nguồn bệnh. Triệu chứng bệnh khởi phát đột ngột, một trẻ đang khỏe mạnh bắt đầu với sốt cao 39-40oC, kèm theo đó là đau đầu, buồn nôn, co giật, co cứng cơ và lú lẫn. Trẻ mắc viêm não Nhật Bản thường hôn mê sâu và phải thở máy. Ngay cả khi nguy cơ tử vong đã giảm nhưng di chứng bệnh vẫn ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ trong tương lai.
BS-CKII Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, khuyến cáo, thời gian vàng để điều trị cũng như hạn chế di chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc bệnh là 2 ngày kể từ khi nhiễm virus. Phụ huynh khi thấy trẻ có các biểu hiện sốt cao, buồn nôn, đau đầu, ngủ nhiều, li bì… cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt, với những trẻ đã mắc viêm não Nhật Bản, vẫn có thể xuất hiện những di chứng muộn sau 1-3 năm. Trẻ có thể bị rối loạn về thần kinh, tâm thần và vận động nên phải đi tái khám đúng lịch được bác sĩ chỉ định.
Ngày 1-7, Bộ Y tế cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận 110 trường hợp mắc viêm não virus, trong đó có 3 người tử vong. Riêng 1 tháng qua, cả nước có tới 49 trường hợp mắc viêm não virus. Viêm não virus là bệnh nguy hiểm, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Bệnh xuất hiện quanh năm và thường có xu hướng tăng cao vào mùa hè. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi.
Để chủ động phòng chống bệnh viêm não virus, trong đó có viêm não Nhật Bản, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện việc đưa trẻ em đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch.
Nguồn: SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.