Câu chuyện bánh chưng ngày Tết ở Nhật Bản
Ngay lúc này đây, ở một nơi xa quê hương với khoảng cách hơn bốn ngàn cây số và hơn sáu giờ bay, mẹ đang ngồi nấu một nồi bánh chưng với gần ba mươi cái. (Thanh Thỏa, Nhật Bản)
Con gái yêu thương của mẹ!
Bây giờ là 0:00 ở Việt Nam và ở Tokyo đã là 2:00 sáng con ạ. Ngoài kia, từng bông tuyết đang rơi dày, lạnh lẽo, xung quanh mọi người cũng đã chìm vào giấc ngủ. Không gian tĩnh lặng quá!
Thế nhưng, ngửi thấy mùi thơm từ nồi bánh tét đang sùng sục sôi trên bếp làm cho cái cảm xúc thiêng liêng của thời khắc giao thừa và vị Tết quê hương như đang đến bên mẹ – thật gần. Vậy mà, lòng mẹ lại trống trải quá.
Gửi bài dự thi “Xuân Quê hương” của bạn |
Gọi điện chúc Tết cho ông bà, cho con và cô giáo của con xong, ngồi nhìn những que hương nghi ngút cháy trên mâm ngũ quả bên cạnh cành hoa đào bằng giấy mà các bác tặng lúc chiều, mẹ đã bật khóc. Mẹ thèm được về nhà, được tận tay gói bánh, làm mâm ngũ quả đặt lên bàn thờ của ông bà ngoại vào ngày 30 Tết, được đi lễ chùa cùng bà nội vào sáng mồng một, được dạy con cúi đầu cảm ơn khi nhận bao lì xì năm mới… Chính lúc này đây mẹ khai bút đầu năm bằng lá thư gửi cho con yêu dấu. Mẹ hi vọng rằng, từng dòng cảm xúc của mẹ theo ngòi bút sẽ khiến mẹ mạnh mẽ và ấm áp hơn, sẽ khiến cho mùa xuân về chính trong lòng mẹ.
Con yêu thương ơi! Hôm nay, mẹ gọi điện cho cô giáo của con, cô giáo kể với mẹ rằng con đã biết mang kẹo đến lớp chia cho các bạn trong buổi học cuối năm, biết đỡ bạn Tít Tồ dậy khi bạn ấy ngã do vấp phải đồ chơi trên sàn. Mẹ thấy thật vui con ạ, mới hai tuổi có lẽ con chưa cảm nhận được thế nào là sẻ chia nhưng con đã biết yêu thương các bạn của mình.
Việc làm của con tuy nhỏ thôi, mà sao niềm vui trong mẹ lớn quá. Nó khiến mẹ liên tưởng về một câu chuyện cổ tích của ngày xưa và của chính những người hôm nay. Mẹ ước giờ này mẹ được ở bên con, ngồi cạnh bếp lửa đun nồi bánh chưng, ôm con vào lòng và kể cho con nghe câu chuyện đó.
Chuyện bắt đầu từ ngày xửa, ngày xưa, từ đời vua Hùng Vương thứ 6, vua muốn tìm người kế vị ngai vàng… Kể từ đó cứ mỗi dịp Tết Nguyên Đán, nhà nào cũng gói bánh chưng, bánh dày để cúng trời đất, tổ tiên. Bánh chưng, bánh dày trở thành hương vị đặc trưng của ngày Tết ở Việt Nam.
Câu chuyện bánh chưng, bánh dày thể hiện tình cảm trân quý đối với hạt gạo – hạt ngọc nhà trời đã nuôi ta từng ngày. Hơn thế nữa, khác với sơn hào hải vị thì cái bánh giản dị kia được vua chọn vì với loại bánh này vua có thể chia sẻ với người dân, tất cả mọi người ai cũng có cơ hội được thưởng thức. Thế đấy con gái ạ, chính ý nghĩa của sự trân trọng, yêu thương và chia sẻ mới là lí do để cho bánh chưng và bánh dày trở thành hương vị đặc trưng cho ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt, tồn tại qua bao đời nay.
Với mẹ, bánh chưng, bánh dày lại thêm một lần nữa làm nên kì tích, làm nên câu chuyện bánh chưng, bánh dày thời hiện đại. Con biết không? Khi con gái mẹ đang được bố công kênh lên đầu để xem bắn pháo hoa, xúng xính trong bộ váy đẹp, được ngồi trong xe để ông bà chở đi chúc Tết và hái lộc xuân , mẹ mong con đừng quên ở chính ngay trên đất nước mình, ở vùng cao Tây Bắc các bạn cùng tuổi với con còn co ro trong cái lạnh, người gầy còm vì những bữa cơm thiếu thịt.
Và câu chuyện bánh Tết ngày nay được bắt đầu từ đó… Ngay lúc này đây, ở một nơi xa quê hương với khoảng cách hơn bốn ngàn cây số và hơn sáu giờ bay, mẹ đang ngồi nấu một nồi bánh chưng với gần ba mươi cái. Đấy chính là nồi bánh có thông điệp “Bánh Tết yêu thương” do các bác ở nhóm Hương Vị Việt ở Nhật Bản nhờ mẹ luộc chín.
Từng cái bánh một ngày mai sẽ được giao tận tay cho những người con xa xứ, để hương vị quê nhà được lan toả, ấm nồng. Số tiền thu được từ những cái bánh Tết sẽ chuyển thành những bữa cơm có thịt cho các bạn con đấy . Tất cả số bánh chưng mà mẹ và các bác làm là hơn bốn trăm cái cơ đấy. Nhiều con nhỉ?
Bao nhiêu người ăn bánh là bấy nhiêu người đồng hành với thông điệp của sự đồng cảm và sẻ chia cùng các bạn vùng cao đó con. Chính mùa xuân và vị xuân nơi quê mẹ đã làm nên điều kì diệu đó phải không con? Con yêu thương! Câu chuyện của mẹ chỉ giản đơn có vậy mà làm mẹ xúc động rưng rưng. Mẹ e là câu chuyện này và những tâm sự đầu xuân của mẹ có lẽ bây giờ con chưa thể hiểu hết được đâu.
Tuy nhiên, mẹ vẫn muốn lưu lại cho con vài dòng mai này khi con lớn lên, có thể khi con đang cũng ở trên một đất nước nào đó, mẹ sẽ lại cho con đọc lại cho mẹ nghe. Mẹ tin rằng cứ mỗi dịp xuân về, nhìn bánh chưng, bánh dày sẽ khiến con nhớ tới câu chuyện để con có thể mở lòng hơn, nhắc nhở mình về ý nghĩa của sự yêu thương và chia sẻ.
Con gái yêu ơi! Thư mẹ viết cho con đầu xuân trong cảm xúc thật hỗn độn. Phải xa con khi con còn quá nhỏ, mẹ nhớ thương con và thấy có lỗi với con nhiều lắm. Nhiều lúc mẹ tự hỏi , phải chăng mẹ đang đánh đổi những mùa xuân không trọn vẹn của con cho việc học hành của mẹ? Nhưng khi thấy con càng lớn, càng ngoan hơn và biết tự lập hơn, mẹ thấy con đang từng ngày sẻ chia, động viên mẹ dù con vẫn chưa ý thức được.
Vì thế, câu chuyện của mẹ chính là món quà mẹ tặng con trước thềm năm mới. Nó cũng giúp mẹ ấm lòng hơn rồi con ạ. Thương chúc con một năm mới thật ngoan, thật chóng lớn con yêu nhé. Con nhắn giùm mẹ với bố và ông bà nội là mẹ đang có một cái Tết thật ấm áp và ý nghĩa nơi xứ người nhé con.
Mẹ yêu con – mùa xuân của mẹ!
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.