Cầu vượt biển dài nhất thế giới có gì đặc biệt?
Cây cầu này thắt chặt liên hệ kinh tế giữa đại lục với các khu tự trị, tạo một kỷ lục mới về đoạn đường hầm xuyên biển sâu nhất và dài nhất thế giới
Sau 7 năm xây dựng, cầu vượt biển kết nối thành phố Chu Hải với các trung tâm phồn hoa Hồng Kông và Ma Cao nhằm thắt chặt liên hệ kinh tế giữa đại lục với các khu tự trị, sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm nay.
Cầu Hồng Kông – Chu Hải – Ma Cao có tổng chiều dài 55 km, nằm sâu 40 m dưới đáy biển, giúp giảm thời gian đi từ Hồng Kông đến hai địa điểm còn lại từ 4 tiếng lái xe xuống 30 phút.
Khoảng 87 triệu USD đã được chi cho thiết kế sơ bộ và 47 triệu USD cho khảo sát hiện trường và các công việc chuẩn bị của dự án, bao gồm việc xây dựng cầu, khu hải quan và đường dẫn, phát triển cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, cảnh quan…
Tổng kinh phí đầu tư dự án vào khoảng 115,9 tỷ nhân dân tệ (13,2 tỷ bảng Anh); chính phủ Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao đóng góp gần 42% chi phí xây dựng toàn bộ; phần còn lại sẽ được vay từ ngân hàng.
Dự án được khởi công vào 15/12/2009, bằng việc bồi đất để tạo một đảo nhân tạo rộng 540 mẫu ở ngoài khơi Chu Hải – nơi thuế quan sẽ kiểm soát sự qua lại giữa ba nơi.
Phần chính của cầu dài 29,6 km bắc từ Đông sang Tây sông Châu, bao gồm một phần cầu 22,9 km và đường hầm dưới biển dài 6,7 km, tạo thành một cấu trúc cầu-đường hầm.
Các hòn đảo nhân tạo ở cuối đường hầm được gia cố bằng 120 ống thép có đường kính 22,5 m và cao 55 m – tương đương với chiều cao của tòa nhà 18 tầng; mỗi ống nặng 550 tấn – tương đương máy bay chở khách Airbus A380.
Cầu vượt biển này được thiết kế với tuổi đời khoảng 120 năm, chịu được va chạm của một con tàu trọng tải 300.000 tấn, địa chấn cấp 8 và sức gió mạnh đến 51 m/s, (tương đương 184 – 201 km/h) – nấc tối đa của hệ đo gió Beaufort.
Mỗi trụ cầu cao 170 mét được thiết kể để giảm thiểu tối đa sức tác động của dòng chảy ở cửa sông Châu, các loại phương tiện thông thường và tàu chở dầu lớn đi qua dễ dàng.
Cầu có 6 làn xe chạy, với vận tốc tối đa là 100 km/giờ. Do phía Hồng Kông lái xe bên trái, còn Trung Hoa đại lục thì bên phải, người ta thiết kế hệ cầu dẫn đường đảo chiều giống như số 8 không có phần giao nhau ở giữa nhằm khớp giao thông cả hai phía.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.