“Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học”
Quang cảnh buổi lễ ký kết
Sự hợp tác này tập trung đẩy mạnh giáo dục thay đổi hành vi cho giáo viên và học sinh, hướng đến xây dựng và duy trì một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phi bạo lực.
Theo đó, hai bên triển khai chương trình tại 14 tỉnh, thành phố gồm Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Điện Biên, Hưng Yên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đắc Nông, TPHCM và Bình Thuận.
Mục tiêu là 2 bên đưa vào nhà trường kiến thức, kỹ năng thực tiễn giúp giáo viên và học sinh ngăn chặn bạo lực. Sẽ biên soạn tài liệu về giáo dục tích cực, giới thiệu phương pháp này cho đội ngũ giáo viên. Đây được đánh giá là cách dạy trẻ hiệu quả, giúp nhận biết và phát huy thái độ, hành vi tích cực mà không cần mắng mỏ hay đòn roi. Đối với học sinh, 2 bên hợp tác giáo dục thay đổi hành vi được chú trọng để các em nhận biết nguy cơ bạo lực, từ đó nâng cao khả năng xử lý tình huống và năng lực tự vệ bản thân.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, thời gian qua, tình trạng bạo lực gia đình và bạo lực học đường vẫn xảy ra tại nhiều nơi và có diễn biến phức tạp. Điều này đã ảnh hưởng xấu đến thể chất, tinh thần của trẻ và ảnh hưởng đến môi trường giáo dục. Bạo lực có tác hại vô cùng lớn đối với trẻ em, không chỉ ảnh hướng về thể chất, tinh thần mà còn ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Những trẻ bị bạo lực ở gia đình và ở trường học thường sẽ ảnh hưởng đến nhân cách và hành vi của trẻ. Có thể những đứa trẻ bị bạo lực sau này sẽ thành người gây bạo lực với người khác, gây tác hại lớn đối với xã hội. Vì vậy cần thực hiện nhiều giải pháp hơn nữa để chấm dứt tình trạng bạo lực với trẻ em, cần sự chung tay của nhiều tổ chức, nhiều lực lượng để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống bạo lực. “Đẩy lùi bạo lực trẻ em phải có sự chung tay của gia đình, nhà trường và cả cộng đồng”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.