Chăm sóc trẻ sinh non, nhẹ cân

Theo các thống kê mới nhất, mỗi ngày trên thế giới có 16.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong mà nguyên nhân chủ yếu là bệnh tật.

 1
Trẻ sinh non, nhẹ cân cần có chế độ chăm sóc đặc biệt

Thông tin này được PGS-TS-BS Ngô Minh Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Chu sinh và Sơ sinh TP HCM – đưa ra tại Hội nghị Khoa học Công nghệ lần thứ X do trường này vừa tổ chức. Cũng theo báo cáo của ông, 2 khu vực có tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong nhiều nhất là châu Phi với 3,5 triệu trẻ và Đông Nam Á là 2,1 triệu trẻ mỗi năm.

Đáng chú ý, 2/3 số trẻ nằm trong nhóm đối tượng đáng buồn này đã chết do các bệnh nhiễm trùng có thể ngừa hoặc điều trị được, đó là viêm phổi, tiêu chảy, viêm màng não, sốt rét… Ngoài ra, 40% số trẻ này tử vong ngay trong tháng đầu đời. Các biến chứng do sinh non và các vấn đề liên quan lúc sinh cũng tạo điều kiện cho các bệnh nhiễm trùng và rất nhiều nguy cơ sức khỏe khác tấn công trẻ dưới 1 tháng tuổi.

Con số 40% ấy cũng là nỗi lo ở nước ta. Theo một báo cáo khác của PGS Ngô Minh Xuân, hằng năm tại Việt Nam có khoảng 120.000-150.000 trẻ sinh non, nhẹ cân ra đời, chiếm đến 10% trẻ sơ sinh. Nguyên nhân khiến các em nhỏ này phải ra đời sớm thường là do tình trạng sức khỏe của người mẹ kém, sức khỏe thai có vấn đề; mẹ làm việc nặng, di chuyển nhiều, chế độ dinh dưỡng không hợp lý… Ngoài trẻ sinh non, Việt Nam còn nằm trong số 42 quốc gia có số lượng tử vong trẻ em cao nhất thế giới.

Để giảm thiểu những con số đáng buồn này, ngoài việc cần phải kiểm soát tốt, điều trị sớm và hiệu quả hơn các căn bệnh nhiễm trùng, trẻ nhỏ cần được chăm sóc một cách khoa học từ khi mới sinh. Theo các nghiên cứu, trẻ nhỏ nên được nhân viên y tế thăm khám sau khi ra đời, thậm chí là theo dõi tại nhà; qua đó còn giúp cha mẹ thực hành chăm sóc trẻ nhỏ, như cho bé bú mẹ hoàn toàn, tiếp xúc da mẹ con, trì hoãn tắm, vệ sinh đúng cách (rửa tay với xà phòng, săn sóc rốn sạch). Làm được như vậy sẽ giảm nguy cơ tử vong cho trẻ đến 76% so với nhóm không được thăm khám.

Với tỉ lệ sinh non còn khá cao ở Việt Nam và nguy cơ tử vong cao không kém ở nhóm trẻ này, PGS Ngô Minh Xuân cũng khuyến cáo nên phổ biến kiểu chăm sóc kangaroo bởi cách chăm sóc này giúp trẻ phục hồi hiệu quả sau khi xuất viện. Cũng cần nhớ rằng chăm sóc một em bé sinh non đạt được mức phát triển như một trẻ sinh đủ tháng không phải chuyện một sớm một chiều, có khi phải mất nhiều tháng trời. Nguyên tắc đơn giản của kangaroo là ủ trẻ trong vòng tay mẹ/người thân đúng cách, da kề da sẽ giúp trẻ sinh non sớm ổn định sinh lý, bú mẹ tốt, tăng cân, tăng sự liên kết mẹ – con. Trẻ được áp dụng kangaroo thường phải nằm viện với thời gian ngắn hơn trẻ sinh non được điều trị bằng các phương pháp khác, giúp đẩy lùi nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện và giải quyết được tình trạng quá tải.

Nguồn NLĐ