Chấm thi trắc nghiệm như thế nào?
Trước bất thường về điểm thi của Hà Giang trong kỳ thi THPT 2018, một số chuyên gia, giảng viên cho rằng việc gian lận rất khó xảy ra ở khâu ra đề, vận chuyển đề hay coi thi, nếu có thì ở khâu chấm thi. Vậy thì việc chấm thi diễn ra như thế nào?
Trên lý thuyết, quá trình chấm thi được bảo vệ rất nghiêm ngặt và do máy móc thực hiện. Theo quy định, bài thi luôn có lực lượng bảo vệ 24 giờ/ngày, có đủ các phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Phòng chứa bài thi, tủ hoặc các thiết bị đựng bài thi phải được khóa và niêm phong, chìa khóa do Trưởng ban Thư ký giữ, khi đóng mở tủ phải có sự chứng kiến của công an và ủy viên Ban thư ký. Trong quá trình chấm bài thi trả lời trắc nghiệm, có bộ phận giám sát, bao gồm: Cán bộ của đơn vị chủ trì cụm thi, đơn vị phối hợp tổ chức thi (nếu có) và công an sẽ thực hiện giám sát trực tiếp, liên tục các hoạt động của tổ xử lý bài thi trắc nghiệm.
Trước khi quét phiếu trả lời trắc nghiệm, Hội đồng thi phải lập biên bản mở niêm phong. Các thành viên Hội đồng không được mang theo bút chì, tẩy vào phòng chấm thi và không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh với bất kỳ lý do gì. Sau khi quét, tất cả phiếu trả lời trắc nghiệm và phiếu thu bài thi được niêm phong, lưu giữ và bảo mật tại đơn vị.
Sơ đồ quét và xử lý bài thi trắc nghiệm trên máy
Bài thi được quét qua máy để nhận dạng phiếu, sau đó kiểm dò. Các máy quét được áp dụng để chấm thi trắc nghiệm hiện nay tốc độ xử lý có thể lên đến vài trăm bài mỗi lần quét. Tiếp theo là lấy dữ liệu đã được quét đưa vào phần mềm để ra kết quả.
Quá trình chấm thi có thể gặp tình huống thí sinh có số báo danh bắt đầu từ số 0 nhưng không viết vào do nghĩ không có giá trị, dẫn đến máy quét không nhận dạng được. Có thí sinh tô sai mã đề, tô đáp án không rõ, thậm chí gạch chéo câu trả lời. Máy quét cũng có thể không nhận diện được khi giấy bị cuốn, nhăn đầu bài thi…
Do vậy, nếu phiếu nào không thể hiện được qua hình ảnh sẽ đưa qua bộ phận chỉnh sửa phiếu. Khi chỉnh sửa phải có công an ngồi sau lưng người xử lý dữ liệu để giám sát, đảm bảo không có tiêu cực. Phần mềm xử lý chuyên biệt cũng đều lưu tất cả những gì được chỉnh sửa trước đó.
Mỗi lần chỉnh sửa, người thực hiện bắt buộc phải tuân theo một quy định là không được cầm… bút chì trên tay. Sau đó, nội dung chỉnh sửa phải được in ra biên bản, ký tên (có cả công an ký). Phần chỉnh sửa này được xử lý lần nữa, hết lỗi mới đưa đáp án vào chấm ra kết quả.
Để kiểm tra độ chính xác của việc quản lý chấm thi bằng máy tính, tránh xảy ra sai sót trong khâu hồi phách và vào điểm thi, Ban chấm thi sẽ tiến hành khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận.
Đối với những bài thi phải lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm điểm chính thức, thì điểm trung bình cộng phải được quy về thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Việc thi trắc nghiệm tốt nghiệp THPT đã được áp dụng từ hơn 10 năm nay. Các kỳ thi tiêu chuẩn quốc tế như IELTS, SAT… đều thi ở hình thức trắc nghiệm.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.