Châu Á qua mặt châu Âu chi tiêu quân sự
Lần đầu tiên ngân sách quốc phòng năm 2012 của các nước châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc, sẽ vượt qua các cường quốc phương Tây, một bước ngoặt trong cuộc đua quân sự thế giới.
Một tàu chiến của Trung Quốc phóng tên lửa trong một đợt tập trận ở Sơn Đông - Ảnh: Reuters |
Philippines, Mỹ tập trận tháng 4-2012 Báo Daily Inquirer dẫn lời tư lệnh lực lượng vũ trang Philippines Jessie Dellosa xác nhận nước này sẽ tập trận cùng Mỹ tại sát khu vực tranh chấp trên biển Đông là đảo Luzon và Palawan. Cuộc tập trận mang tên Balikatan, dự kiến diễn ra từ ngày 16 đến 27-4 với sự tham gia của 4.500 lính Mỹ và 2.300 lính Philippines. |
Báo cáo Cân bằng quân sự của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), được công bố ngày 7-3, cho biết: “Kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008, chi tiêu quốc phòng của châu Á đã tăng với tốc độ nhanh hơn châu Âu”. Theo tổng giám đốc IISS John Chipman, dù mức chi tiêu quân sự tính trên đầu người của châu Á thấp hơn so với châu Âu nhưng đà tăng hiện tại sẽ đưa khu vực này vượt qua mặt phương Tây trong năm 2012.
“Rõ ràng đây là một sự đảo chiều ngoạn mục” - ông Chipman nhận định. Trong khi các con rồng ở châu Á trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế và không ngại chi mạnh tay cho mua sắm vũ khí thì các nước phương Tây lại đang phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế, buộc phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng.
Trung Quốc dẫn đầu
Theo báo cáo, trong năm 2011 tổng chi tiêu quân sự của châu Á tăng 3,15% lên 294 tỉ USD. Trung Quốc chiếm 30% chi tiêu của khu vực, tiếp đến là Nhật với 20% và Ấn Độ 11%. Những nước này cùng với Hàn Quốc và Úc chiếm trọn 80% tổng ngân sách.
Trung Quốc là nước đầu tư mạnh nhất cho hệ thống quân sự, chi gần 90 tỉ USD năm 2011, tăng hơn 12,7% so với năm trước đó và gấp 2,5 lần so với cách nay mười năm. Bắc Kinh mới đây thông báo sẽ tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng thêm 11,2%. Công ty tư vấn IHS Jane’s dự đoán đến năm 2015, chi tiêu của Bắc Kinh sẽ vượt ngân sách của tám thành viên cao cấp của NATO là Anh, Pháp, Đức, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Tây Ban Nha và Ba Lan.
Trung Quốc đang gây lo ngại cho phương Tây khi trình làng hàng loạt khí tài hiện đại: hàng không mẫu hạm đầu tiên được cải tạo từ tàu Varyag của Liên Xô, chiến đấu cơ j-20, hệ thống tên lửa tầm xa để hạn chế hoạt động của tàu Mỹ trong khu vực, căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam. Việc đẩy mạnh mua sắm quốc phòng của Trung Quốc cũng đang tạo ra cuộc chạy đua ngầm giữa các nước trong khu vực.
Theo IISS, Úc, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan đang gấp rút nâng cấp hải quân và không quân. Ấn Độ đang lên kế hoạch bổ sung nhiều tàu ngầm và hàng không mẫu hạm cho hải quân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại xu hướng này đang làm gia tăng nguy cơ xung đột. “Giải quyết căng thẳng trên biển Đông sẽ là vấn đề thử thách hơn” - IISS nhận định.
Trong khi đó, bức tranh quốc phòng của châu Âu rất ảm đạm. Từ năm 2008-2010, tổng cộng 16 thành viên NATO của châu Âu đã phải cắt giảm mạnh chi tiêu quốc phòng, hơn 10%. Năm 2011, ngân sách quân sự của các nước châu Âu chỉ khoảng 270 tỉ USD. IISS dự báo với tình hình kinh tế vẫn trì trệ như hiện tại, khả năng phục hồi của ngân sách quốc phòng châu Âu sẽ rất chậm.
Chưa vượt được Mỹ
Theo báo cáo, Mỹ vẫn là nước có ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới, chiếm 45% tổng chi toàn cầu và bằng tổng của 10 quốc gia chi tiêu quốc phòng nhiều nhất. Washington chi hơn 739 tỉ USD cho quốc phòng trong năm 2011 và khoảng 693 tỉ USD trong năm 2010. Washington đang áp dụng chiến lược mới: tinh gọn lực lượng và chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương.
IISS dự báo dù với tốc độ tăng chi tiêu như hiện nay, Bắc Kinh phải cần đến 20 năm để đuổi kịp chi tiêu của Washington.
Nhìn chung, IISS khẳng định sự vượt mặt của châu Á đối với châu Âu về chi tiêu quốc phòng không thể hiện một sự chuyển biến tức khắc về sức mạnh quân sự toàn cầu. “Nó không có nghĩa là trong năm 2012, năng lực quân sự của châu Á - Thái Bình Dương sẽ mạnh hơn của châu Âu” - báo cáo của IISS viết.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.