Châu Á vượt lên về đổi mới sáng tạo
Dữ liệu xếp hạng toàn cầu của Liên hiệp quốc vừa công bố cho thấy đại dịch Covid-19 đẩy nhanh quá trình đổi mới sáng tạo, đặc biệt là tại châu Á.
Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu (WIPO) thuộc Liên hiệp quốc cho thấy, Hàn Quốc và Trung Quốc thăng hạng vượt trội. Hàn Quốc tăng 5 bậc, đứng vị trí thứ 5, trong khi Trung Quốc nhích 2 bậc, đứng vị trí thứ 12 và duy trì đà tiến vào tốp 10. Trung Quốc vẫn là nền kinh tế có thu nhập trung bình duy nhất trong tốp 30.
Theo phân tích của WIPO, “đại dịch đã thúc đẩy sự chuyển dịch về mặt địa lý của các hoạt động đổi mới sang châu Á trong dài hạn, ngay cả khi Bắc Mỹ và châu Âu tiếp tục là khu vực có các quốc gia đổi mới hàng đầu thế giới”. Tốp 4 quốc gia có GII cao nhất thế giới năm nay không thay đổi so với năm ngoái. Cụ thể, Thụy Sĩ dẫn đầu bảng trong năm thứ 11 liên tiếp, theo sau là Thụy Điển, Mỹ và Anh. Những cái tên còn lại trong tốp 10 ngoài Hàn Quốc ở vị trí thứ 5 là Hà Lan, Phần Lan, Singapore, Đan Mạch và Đức.
Năm nay, Việt Nam xếp thứ 44/132, lùi 2 bậc so với năm 2020. Tuy nhiên, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ (xếp thứ 41), Ấn Độ (46) và Philippines (51), Việt Nam là một trong 4 quốc gia có thu nhập trung bình được WIPO đánh giá là đang bắt kịp đà tăng GII của thế giới. Trong số các quốc gia có thu nhập thấp, Rwanda dẫn đầu ở vị trí thứ 102, tiếp đến là Tajikistan (103) và Malawi (107).
Sự gia tăng của GII cho thấy các quốc gia và doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng cường đầu tư vào đổi mới, bất chấp cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch. GII là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, được WIPO phối hợp với Viện INSEAD, Pháp và Đại học Cornell (Mỹ) thực hiện.
Trong đánh giá của WIPO, đổi mới sáng tạo được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ dựa trên nghiên cứu, phát triển mà bao trùm cả trong tổ chức, thị trường. Cách tiếp cận này của tổ chức WIPO thể hiện quan điểm năng lực đổi mới sáng tạo của mỗi quốc gia có liên hệ mật thiết với trình độ phát triển và hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia đó, cũng như sự kết nối với các quốc gia/nền kinh tế khác.
Vẫn theo bảng xếp hạng trên, đầu tư vào khoa học, nghiên cứu và phát triển, sở hữu trí tuệ và các thương vụ đầu tư mạo hiểm tiếp tục tăng trong năm 2020. Nhiều công ty mạnh dạn đổi mới trước sức ép từ các biện pháp phòng chống Covid-19 cũng như hậu quả của nó, đặc biệt là ngành dược phẩm và công nghệ thông tin đã tăng gấp đôi đầu tư vào đổi mới sáng tạo. Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang cho biết: “Nhiều lĩnh vực cho thấy khả năng phục hồi đáng kể, đặc biệt là những lĩnh vực đã chấp nhận số hóa, công nghệ và đổi mới”. Tuy nhiên, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19, chẳng hạn như du lịch, lại càng thụt lùi về đổi mới sáng tạo.
Theo ông Sacha Wunsch-Vincent, đồng biên soạn GII, khi thế giới mong muốn xây dựng lại sau đại dịch, đổi mới sáng tạo là không thể thiếu để vượt qua những thách thức chung mà chúng ta phải đối mặt. Ông lưu ý, ngoài những quốc gia chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển hàng đầu như Australia, Đức, Nhật Bản và Mỹ, 7 trong số 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn dành chưa đến 1% GDP cho nghiên cứu và phát triển.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.