Châu Thành phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

       Thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX), Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 10/5/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ huyện Châu Thành nhiệm kỳ 2010 - 2015, Ban Thường vụ Huyện ủy đề ra Nghị quyết về phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể từ nay đến 2015 cụ thể như sau:

Nón bàng buông ở HTX nón Thống Nhất - xã Thân Cửu Nghĩa.

     Tập trung củng cố, nâng chất hoạt động các mô hình kinh tế tập thể hiện có và phát triển mới ở những nơi có điều kiện. Xây dựng và phát triển kinh tế tập thể phải gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; góp phần quan trọng vào quá trình phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2015, trên 70% đơn vị kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả và 100% quỹ tín dụng nhân dân kinh doanh có lãi. Thành lập mới 1 - 2 hợp tác xã lĩnh vực thương mại - dịch vụ, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở những nơi đủ điều kiện. Lãnh đạo, định hướng, chỉ ra các nhu cầu hợp tác nhằm phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực để từ đó tổ chức, vận động, hình thành các loại hình kinh tế tập thể từ thấp đến cao. Đẩy mạnh dân chủ hoá trong quá trình hình thành và quản lý kinh tế hợp tác theo đúng nguyên tắc của Luật Hợp tác xã.

Về giải pháp thực hiện, UBND các cấp thực hiện tốt vai trò quản lý kinh tế tập thể; tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị kinh tế tập thể thuê đất, nhà làm trụ sở làm việc. Tập trung kiện toàn Ban chỉ đạo củng cố phát triển kinh tế tập thể, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các thành viên; sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên Ban chỉ đạo trong việc củng cố, phát triển kinh tế tập thể. Phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Chi cục Hợp tác xã và phát triển nông thôn tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác để từng bước nâng cao năng lực điều hành hợp tác xã, tổ hợp tác.

Ban Chỉ đạo huyện Châu Thành kịp thời sơ, tổng kết hoạt động của các đơn vị kinh tế tập thể trên các lĩnh vực, đánh giá những mặt đạt được, chưa được, tìm nguyên nhân và rút ra kinh nghiệm để thực hiện trong thời gian tới, kịp thời nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả và có kế hoạch, đề ra giải pháp tập trung củng cố, nâng chất đối với các đơn vị hoạt động yếu kém, xem xét giải thể đối với các đơn vị kinh tế tập thể không còn hoạt động hoặc hoạt động yếu kém đã được củng cố, kiện toàn nhiều năm nhưng không có sự chuyển biến đi lên.

Cấp uỷ, Uỷ ban nhân dân xã - thị trấn bổ sung chỉ tiêu xây dựng kinh tế tập thể vào kế hoạch của nhiệm kỳ để lãnh đạo thực hiện hàng năm; tùy theo điều kiện của từng vùng, từng địa phương, vận động người lao động, các hộ kinh tế cá thể, tiểu chủ, các trang trại, các nhóm tham gia thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác trên các lĩnh vực như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tín dụng,… để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, khai thác tốt các nguồn nguyên liệu tại chỗ, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Có giải pháp phù hợp để củng cố, nâng cao chất lượng các đơn vị kinh tế tập thể; lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực, nhiệt tình, tâm huyết với kinh tế tập thể. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của ban lãnh đạo kinh tế tập thể. Thực hiện tốt công tác quản lý tài chính, hạch toán kế toán của các hợp tác xã theo quy định để được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế của Nhà nước đối với kinh tế tập thể.

Tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể tiếp cận các hoạt động khuyến nông, khuyến công, chương trình, dự án, xúc tiến thương mại, hỗ trợ vốn ứng dụng khoa học - công nghệ,… để giúp hợp tác xã, tổ hợp tác đổi mới công nghệ, đào tạo nghề cho người lao động nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, từng bước tạo thế đứng cho sản phẩm trên thị trường.  Lãnh đạo, định hướng đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh của kinh tế tập thể nhằm phát huy quyền làm chủ của xã viên, nâng cao hiệu quả của các đơn vị kinh tế tập thể; thực hiện tốt việc huy động vốn trong xã viên để mở rộng sản xuất kinh doanh, khai thác tốt tiềm năng; tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của cơ chế thị trường. Phát huy tính năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong đổi mới phương thức sản xuất, không ngừng nâng cao hiệu quả để xã viên, người lao động yên tâm, gắn bó nhiều hơn với kinh tế tập thể.

Thực hiện tốt việc mở rộng hợp tác, liên kết giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác cùng lĩnh vực, ngành nghề, giữa các hợp tác xã với các thành phần kinh tế khác để hình thành các liên hiệp hợp tác xã kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực nhằm nâng cao năng lực tài chính, công nghệ, thực hiện tốt sự phân công lao động xã hội để tăng năng suất lao động, hợp lý hoá sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.Tăng cường các hoạt động thăm dò, tìm hiểu thị trường để xây dựng kế hoạch kinh doanh đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Toàn huyện Châu Thành hiện có 68 đơn vị kinh tế tập thể, trong đó có 8 hợp tác xã, 03 quỹ tín dụng nhân dân, 37 tổ hợp tác nông nghiệp, 6 tổ hợp tác tiểu thủ công nghiệp, 14 tổ hợp tác cấp nước sinh hoạt với khoảng 8.500 xã viên, vốn 22 tỷ đồng.