Chạy đua câu khách kiếm tiền trên YouTube
Nhiều YouTuber chen chúc cầm điện thoại, máy ảnh… để quay video hình ảnh những nghệ sĩ nổi tiếng đến viếng tang
Ăn khách do “độc và lạ”
YouTube đã không dừng lại ở chức năng giải trí, học tập, truyền thông, mà trở thành công cụ kiếm tiền của nhiều người. Có 2 dạng video có thể kiếm tiền trên YouTube là tự sản xuất hoặc sưu tập đăng lại nội dung cũ. Việc tự sản xuất thường có lượt xem cao hơn, chủ yếu gồm: vlog (tự quay clip chia sẻ những quan điểm cá nhân về các vấn đề nóng hoặc gần gũi với đời sống); review video (làm video đánh giá về các sản phẩm, dịch vụ có nhiều người quan tâm trên thị trường), tutorials video (hướng dẫn thủ thuật) và ghi lại tất cả mọi chuyện xung quanh.
Trong tháng 5 vừa qua, người dùng mạng xã hội và cộng đồng YouTube Việt đã bất ngờ trước sự xuất hiện của kênh YouTube “Bà Tân Vlog”. Chỉ qua 20 ngày từ khi chính thức đăng tải, kênh này đã đạt gần 1,3 triệu sub (lượt đăng ký xem). Các video trên kênh này được dàn dựng khá đơn giản, chỉ chủ yếu xoay quanh chủ đề ẩm thực và gây chú ý bởi các món ăn được làm với quy mô khổng lồ, như làm nia bún đậu mắm tôm khổng lồ, nướng 100 cái đùi gà siêu cay, nướng 200 cái xúc xích, làm cốc trà sữa 60 lít…
Trung bình mỗi video trên kênh này có gần 2 triệu lượt xem, vượt trội so với nhiều MV ca nhạc được đầu tư cả tỷ đồng. Theo thống kê của Social Blade, Bà Tân Vlog vừa lọt vào tốp 3 kênh tăng sub nhanh nhất thế giới, ước tính kênh này có thể kiếm được từ 13.000USD đến 208.200USD mỗi tháng dựa trên các số liệu về lượng người xem, theo dõi.
Kênh “Bà Tân Vlog” với gần 1,3 triệu sub thực sự là một con số khủng, khiến nhiều bạn trẻ, người nổi tiếng đang làm YouTuber phải ganh tỵ. Đây là sự ăn khách do “độc và lạ”. Làm YouTube không chỉ nỗ lực mà cần phải có duyên nữa. Giống như một kênh truyền hình, phải có ý tưởng, nội dung, biết cách xử lý clip, tính toán thời gian phát hành và cạnh tranh hiệu quả.
Không cần đạo lý, miễn gây chú ý
Muốn nổi tiếng, muốn kiếm tiền trên YouTube không hề dễ dàng, phải nắm bắt được những xu hướng ăn khách để thu hút người xem, phải biết cách làm cho video nhanh lên tốp, được ưu tiên khi tìm kiếm… YouTuber Trung Nguyên (ở quận Thủ Đức, TPHCM) phân tích: “Để trở thành YouTuber có nhiều sub, gây sốt, là phải biết cách tạo sự kiện. Quá thiện lành không làm YouTuber được. Ngoài cách tạo ra sự kiện, còn phải… nhẫn tâm và biết cách gài sự việc”.
Theo đó, để nổi tiếng, có thể có thu nhập, đã xuất hiện nhiều video cổ xúy cho những nội dung bạo lực, đánh đấm kiểu giang hồ, ăn thịt động vật quý hiếm, cố tình hớ hênh, ăn mặc khiêu gợi để câu view. Tại đám tang một nghệ sĩ hồi tháng 4 vừa qua, xuất hiện đám đông tay lăm lăm cầm điện thoại, máy ảnh… chĩa ống kính thẳng vào những nghệ sĩ nổi tiếng đến viếng tang để livestream, quay video đăng YouTube.
Thật trơ trẽn khi họ khai thác hình ảnh đám tang để câu khách kiếm tiền: “Chào mọi người, hôm nay mình tiếp tục phát trực tiếp lễ viếng tang. Mọi người nhớ vào trang ủng hộ mình nha!”; “Hãy subscribe kênh và chia sẻ để xem thêm video hình ảnh lễ tang nhé!”… Thậm chí, trong ngày đưa linh cữu ra nghĩa trang, đông đảo YouTuber đã túc trực sẵn, chĩa ống kính, điện thoại vào bia mộ, vào nét mặt buồn đau của người thân, bạn bè cố nghệ sĩ.
Chị Tố Như (ở quận 1, TPHCM) bức xúc: “Nhiều YouTuber trong đám tang này thật kém văn hóa. Trong lúc hạ huyệt, các YouTuber trèo lên những nấm mộ xung quanh, chen lấn xô đẩy nhau để tìm góc quay quan tài, vừa quay video vừa nói cười ồn ào”.
Mới đây nhất, ngày 17-5, một nam ca sĩ đã đăng tải một video lên trang YouTube của mình quay lại cảnh bản thân xuống hiện trường vụ án 2 thi thể bị đổ bê tông ở Bình Dương gây xôn xao dư luận. Trong video, ca sĩ này miêu tả không khí hiện trường vụ án và còn phỏng vấn người dân ở đây. Hành động này bị chỉ trích là câu view, làm video kiếm tiền bằng cách khai thác chuyện “giật gân”, lợi dụng chuyện án mạng để gây chú ý. Khi bị chỉ trích, ca sĩ này thừa nhận do đang xây dựng một kênh YouTube của mình, nên muốn có những clip nội dung thời sự để kênh phong phú hơn.
Khi YouTube khuyến khích việc phát video tự tạo và trả tiền theo lượt xem, đã khiến các YouTuber đua nhau làm video bằng những câu chuyện sốc, chạy theo thị hiếu rẻ tiền, không cần đạo lý, miễn gây chú ý. Các cơ quan chức năng liên quan cần quan tâm quản lý, có chế tài đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm sản xuất video nội dung thiếu lành mạnh, phản cảm như hiện nay.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.