Chi triệu đô làm phim cất kho là… hoàn thành sứ mệnh?

Chả nhẽ cứ đầu tư hàng chục tỷ vào những bộ phim mà sứ mệnh của nó chủ yếu nằm “đắp chiếu” trong kho chờ dịp lễ lạt mang ra chiếu miễn phí.

Những bộ phim tuyên truyền nhân các dịp kỷ niệm lớn của đất nước thường được nhà nước đầu tư khá mạnh tay. Tuy nhiên chúng thường có “kịch bản” với số phận hẩm hiu giống nhau đó là “cất kho” ngay sau các đợt kỷ niệm vì… “đã hoàn thành sứ mệnh của mình”.

“Về mục đích chiếu trong các dịp kỷ niệm quan trọng của đất nước, bộ phim này đã hoàn thành xong sứ mệnh của nó” – ông Ông Phan Đình Thanh Phó cục Trưởng Cục điện ảnh đã khẳng định như vậy trên Tuổi trẻ về bộ phim “Sống cùng lịch sử” phải huỷ chiếu rạp vì không bán được vé.

Bộ phim 21 tỷ có cái tên rất “cúng cụ” đang “gây bão” dư luận về câu hỏi về hiệu quả của phim tuyên truyền là gì nếu không ai muốn xem. Chả nhẽ cứ đầu tư hàng chục tỷ vào những bộ phim mà sứ mệnh của nó chủ yếu nằm “đắp chiếu” trong kho chờ dịp lễ lạt mang ra chiếu miễn phí.

 

Cảnh trong phim “Sống cùng lịch sử”

 

Vậy có nên tiếp tục đổ cả đống tiền của dân vào những bộ phim “cúng giỗ”? Hiệu quả tuyên truyền làm sao có khi nó không được công chúng đón nhận.

Một bộ phim được đầu tư rõ là nhiều tiền, do những đạo diễn, biên kịch nổi tiếng, hãng phim truyện lớn nhất thực hiện… liệu đã là những điều kiện đủ cho để cho ra đời một tác phẩm “để đời”?

Bởi “bất chấp những đại cảnh dày công lên tới 300 diễn viên, những cú lia máy, chọn góc quay tốt, diễn viên nhập vai tốt, phim chỉ là liên tiếp những câu chuyện minh họa về các anh hùng Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót. Bản thân các nhân vật này không hề có thêm màu sắc, chi tiết, sự cá nhân hóa tính cách. Chỉ chằn chặn như trong chuyện kể lịch sử phổ thông”, nhà báo Trinh Nguyễn nhận xét.

Đạo diễn Thanh Vân là một người có tài nhưng anh lại phải nhất nhất thực hiện theo kịch bản có sự kiểm duyệt sát sao. Kịch bản của một bộ phim tuyên truyền thì thường phải đủ đầy, món gì cũng có chằn chẵn như đi ăn cỗ ở quê và nhất nhất như… trong sách giáo khoa lịch sử. Mà sách lịch sử được dạy trong nhà trường được “ca ngợi” thế nào ai cũng rõ.

“Cứ mỗi khi đến dịp kỷ niệm là có phim thì không thể vượt qua được hai tiếng tuyên truyền. Nghệ thuật mà cứ đặt vào con đường của tuyên truyền thì nghệ thuật không phải của công chúng mà là của ai đó. Chúng ta phải làm cho khán giả thích chứ không phải làm cho cấp trên thích. Nếu không thì nội dung phim sẽ luôn là sự cứng nhắc và cũ kỹ. Tôi tin là với khả năng của anh Thanh Vân và tác giả kịch bản Đoàn Minh Tuấn, nếu để các anh có sự chủ động thì phim sẽ hay hơn nhiều. Tôi đã từng làm một vài phim tuyên truyền thế này nên tôi rất hiểu, khó kinh khủng”, nhà văn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.

Bên cạnh những sai lầm như thiếu chiến lược quảng bá, tên phim quá dở… có lẽ không thể bỏ qua một yếu tố quan trọng là sự kiểm duyệt kịch bản. Một kịch bản tròn trịa sẽ không thể dẫn đến một bộ phim hay. Các nhà quản lý văn hoá và điện ảnh cũng cần có một tư duy cởi mở đối với những sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ.

Hãy xem dân ta say sưa thế nào với các bộ phim lịch sử nước ngoài trong khi lịch sử nước nhà với biết bao biến cố hào hùng nhưng lại chưa có một tác phẩm nào xứng tầm. Đây chính là một món nợ với văn hoá lịch sử mà những người quản lý trên lĩnh vực văn hoá nước nhà phải trăn trở, phải trả cho bằng được.

Chỉ khi nào chúng ta sòng phẳng trong việc qui trách nhiệm cá nhân cụ thể, xoá bỏ tư tưởng bao cấp, đổi mới tư duy làm phim lịch sử, mời gọi tư nhân cùng nhà nước vào cuộc và mở rộng cửa đón nhận những sáng tạo nghệ thuật mà không sợ bị “chụp mũ”, thì lúc đó sẽ có những bộ phim bán được vé và khi đó những thông điệp “tuyên truyền” sẽ hiệu quả hơn bao giờ hết./.

Nguồn vov.vn